Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt lưu vực sông Lô Gâm

Lưu vực sông Lô – Gâm là lưu vực sông Quốc tế nằm trên lãnh thổ hai quốc gia: Việt Nam và Trung Quốc với 316 km đường biên giới. Lưu vực có vị trí chiến lược chính trị, quân sự quan trọng đồng thời đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại qua các cửa khẩu.

                              Lưu vực sông Lô – Gâm

Phạm vi thực hiện của dự án có diện tích 22.540 km2 – Toàn bộ diện tích lưu vực sông Lô – Gâm (Phần lãnh thổ Việt Nam) . Bao gồm địa giới hành chính của các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai (5 huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng), Yên Bái (2 huyện: Lục Yên, Yên Bình), Phú Thọ (4 huyện: Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Ba, TP. Việt Trì), Vĩnh Phúc (5 huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Yên, Vĩnh Tường), tỉnh Bắc Kạn (3 huyện: Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn), Cao Bằng (3 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình).

Trên diện tích 628km2 thực hiện năm 2020. Tổ điều tra đã tiến hành điều tra trên 6 tuyến điều tra tổng quan (thêm tuyến tổng quan suối Trung Thành và Nậm Am so với 5 tuyến hành trình dự kiến), làm rõ đặc trưng hình thái các tuyến sông suối điều tra. Đặc điểm sông suối thượng nguồn sông Lô mang đặc trưng của dòng chảy miền núi. Sông suối quanh co uốn khúc theo địa hình, lòng sông suối dốc, ngắn. Lòng sông phía thượng lưu chủ yếu là vật liệu thô như cuội, tảng, hòn cục, xuôi về phía hạ lưu lòng sông cấu tạo bởi các vật liệu mịn hơn.

Trong phạm vi điều tra trên các sông lớn có nhiều thủy điện được xây dựng (Sông Lô: 2 thủy điện; Sông Miện: 5 thủy điện). Các thủy điện xây dựng có thể điều tiết dòng chảy, phát điện phục vụ dân sinh tuy nhiên theo kết quả điều tra khi thủy điện tích nước thì gần như phía hạ lưu đập là không có dòng chảy, điều này ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái khu vực. Thủy điện sông Lô 2 trong quá trình tích nước gây vỡ đê bờ phải, sau đó được khắc phục song vẫn gây thấm nước ảnh hưởng đời sống của dân. Thủy điện sông Miện 5 đi vào hoạt động từ năm 2015 với các thông số thực tế lớn hơn thiết kế nên cũng tác động đến môi trường khu vực thượng lưu.

Ngoài ra kết thúc công tác điều tra còn xác định trong phạm vi nghiên cứu có 1 số vấn đề nổi cộm như sau:

Hiện trạng khai thác sử dụng nước: Trong phạm vi điều tra có 03 hình thức khai thác sử dụng nước mặt chủ yếu Sử dụng nước để phát điện, sử dụng nước để cấp nước ăn uống sinh hoạt và sử dụng nước để phục vụ nông nghiệp. Các thủy diện xây dựng với mật độ dày làm ảnh hưởng lớn đến môi trường trước và sau đập thủy điện.

Hiện trạng sạt lở bờ sông: Trong quá trình điều tra tổ điều tra đã xác định và tiến hành điều tra chi tiết 7 vị trí bờ sông bị sạt lở. Trong đó trên sông Lô có 04 vị trí sạt lở, suối Nậm Má, suối Trung Thành và suối Vat trên mỗi suối có 01 vị trí bị sạt lở bờ. Đặc điểm chung tại các vị trí sạt lở là cấu tạo bờ sông  thành phần chủ yếu là sét bột, cát lẫn sạn, độ gắn kết yếu. Tại các điểm khảo sát STTH14-1; SNMH3-1 vào thời điểm sảy ra mưa lớn nước suối dâng cao, dòng chảy siết gây sạt lở bờ suối. Ngoài các yếu tố chủ quan trên, tại các vị trí sạt lở trên sông Lô và suối Vat nguyên nhân gây ra sạt lở do thủy điện sông Lô 2 tích nước, mực nước phía thượng lưu đập dâng cao. Nước ngấm vào bờ  bão hòa nước, gây ra lở bờ sông. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn chủ yếu tác động đến nông nghiệp với diện tích thiệt hại nhỏ hơn 1ha.

Hiện trạng xả thải: Trên phạm vi điều tra khảo sát nhìn chung hoạt động xả nước thải vẫn diễn ra tự phát. Ở khu vực nông thôn nước thải được thải trực tiếp ra môi trường đất, sông suối xung quanh. Ở khu vực thành phố Hà Giang nước thải được thu gom theo hệ thống sau đó nhiều hệ thống thải trực tiếp ra sông Lô.

Hiện trạng chất lượng nước: Qua kết quả đo nhanh chất lượng nước và phân tích 15 mẫu nước mặt (phân tích 19 chỉ tiêu pH, DO, TSS, COD, BOD5, Pb, As, Zn, Fe, Hg, NH3-N, NO3-N, NO2-N, CN, chất hoạt động bề mặt, hóa chất BVTV, phenol,  tổng dầu mỡ, coliform.) cho thấy chất lượng nước tại các sông suối trong khu vực là tương đối tốt. 5 mẫu trên sông Lô cho giá trị các thông số đều nằm dưới ngưỡng A2 QCVN 08-MT:2015/BTNMT. 04 mẫu trên sông Miện cho thấy 02 mẫu phía hạ lưu sông Miện (SMH2 và SMH18) có giá trị Nitơrit (NO2) có giá trị vượt quá giới hạn A2 và B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang qua các hệ thống suối nhỏ sau đó chảy vào sông Miện. Các suối nhành chất lượng nước tốt giá trị các thông số đều nằm dưới ngưỡng A2 QCVN 08-MT:2015/BTNMT.