Lưu vực sông (LVS) Cả nằm trên lãnh thổ 2 nước Lào và Việt Nam với diện tích 17.900km2. Lưu vực sông Cả là sông liên quốc gia, đứng thứ 5 về độ lớn ở Việt Nam, sau hệ thống sông Cửu Long, sông Hồng, sông Đồng Nai và sông Mã. Lưu vực sông Cả bao trùm hầu hết diện tích hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần diện tích tỉnh Thanh Hóa. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho các ngành kinh tế- xã hội của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Đến nay trong lưu vực và vùng phụ cận đã xây dựng được 3.193 công trình lớn nhỏ trong đó 1578 hồ chứa các loại, 459 đập, 1155 trạm bơm, phục vụ tưới 170.900 ha sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế dùng nước khác.
Trong những năm qua, có nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, dẫn nước trên lưu vực sông được xây dựng; nhiều dự án điều tra có liên quan ở mức độ khác nhau đã được thực hiện; tuy nhiên theo thống kê chưa đầy đủ cho hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh, tình trạng hạn hán ở khu vực, vào mùa khô trong mấy năm gần đây xảy ra có mức độ ngày càng khắc nghiệt; diện tích hạn của Nghệ An năm 2010 khoảng 17.000-20.000ha, Hà Tĩnh khoảng 12.000ha. Trong đó hạn nặng chiếm tới 30% diện tích hạn và có thời điểm mực nước của hàng trăm hồ hạ thấp xuống gần mực nước chết.
Thực tế cho thấy để khắc phục được hiện trạng thiếu nước thì một trong những nội dung cần làm là nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông. Trong thời gian qua, các cơ quan từ trung ương đến địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp từ công trình đến phi công trình, tuy nhiên vẫn cần tiếp các giải pháp tổng thể mới có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra.
Theo kinh nghiệm quốc tế thì việc quản lý chỉ có thể làm tốt khi chúng ta kiểm soát được thông tin dòng chảy, hiện trạng khai thác, diễn biến chất lượng trữ lượng các nguồn nước trên lưu vực sông. Để làm được điều đó cần thiết phải có bộ dữ liệu tổng hợp về tài nguyên nước trên lưu vực; dữ liệu diễn biến về số lượng và chất lượng nước cùng với bộ công cụ hữu hiệu, phù hợp với đặc điểm nguồn nước lưu vực để từ đó nâng cao năng lực trong:
– Lưu trữ thông tin, dữ liệu số về tài nguyên nước của lưu vực sông;
– Mô phỏng, tính toán tài nguyên nước;
– Tổng hợp, phân tích, khai thác kết nối dữ liệu;
– Cung cấp dữ liệu để phục vụ ra quyết định quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.
Theo kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 2-8-2019 về Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết Trung ương báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tại mục “một số nhiệm vụ cấp bách” nêu bật cần Hoàn thành việc điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước ngầm.
Tại Khoản III, Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 5 năm 2017 về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững thì nội dung “Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các mục tiêu phát triển bền vững” được đặt ra và phải thực hiện trong cả hai giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030.
Tại Nhiệm vụ, giải pháp số 7 triển khai mục tiêu số 6 ở Quyết định số 3756/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững việt nam đến 2030 của ngành tài nguyên và môi trường thì nội dung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước được xác định thực hiện trong giai đoạn 2018-2025 và cơ quan được giao chủ trì thực hiện là Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia.
Vì vậy, việc thực hiện Dự án “Điều tra đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội lưu vực sông Cả” là nhiệm vụ rất cần thiết, cấp bách nằm trong định hướng thực hiện của Chính Phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.