Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ (các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình)” từ năm 2014 – 2016.
1. Mục tiêu của dự án
– Đánh giá và xây dựng được bản đồ khả năng tự bảo vệ cho các tầng chứa nước chính (qh, qp và T2a đg);
– Đề xuất và định hướng cho khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất.
2. Phạm vi thực hiện của dự án
Phạm vi thực hiện dự án vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ (trong đó có 3 tỉnh là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) với tổng diện tích 4584 km2, trong đó tỉnh Thái Bình 1546 km2, Nam Định 1652 km2, Ninh Bình 1386 km2.
Giới hạn trong 3 tầng chứa nước chính: Holocen (qh), Pleistocen (qp) và karst (T2a đg).
3. Tóm tắt nội dung chính và các hoạt động của dự án
3.1. Các nội dung chính của dự án
* Nội dung 1: Điều tra bổ sung phục vụ đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất:
– Điều tra bổ sung tài nguyên nước dưới đất phục vụ đánh giá khả năng tự bảo vệ cho các tầng chứa nước:
+ Đối với tầng chứa nước Holocen (qh) phân bố rải rác và hầu khắp phạm vi nghiên cứu. Trên diện phân bố này sẽ tiến hành điều tra về các yếu tố chính: mực nước, lượng bổ cập, thành phần đất đá tầng chứa nước, thành phần đất đá lớp phủ, độ dốc địa hình, hệ số thấm của tầng chứa nước, đới thông khí và chất lượng tầng chứa nước;
+ Đối với tầng chứa nước Pleistocen (qp) trên cơ sở diện phân bố tầng chứa nước, tiến hành điều tra nghiên cứu bổ sung về đặc tính của lớp sét cách nước (aQIIIvp), mực nước, chất lượng nước, hướng, tốc độ dịch chuyển và lan truyền theo 2 phương thẳng đứng và nằm ngang;
+ Đối với tầng chứa nước trong đá vôi Karst (T2a đg) trên cơ sở diện phân bố tầng chứa nước, tiến hành điều tra bề dày lớp phủ mặt địa hình, lớp phủ thảm thực vật, độ dốc địa hình, hệ số phát triển Karst, hố sụt, dòng chảy mặt;
– Điều tra, khảo sát thực địa xác định các nguồn và điểm nguy cơ nhiễm bẩn về diện phân bố, ranh giới, đặc điểm và sự ảnh hưởng của nó đến các tầng chứa nước để kiểm chứng đối với kết quả lập bản đồ khoanh vùng tự bảo vệ của các tầng chứa nước nêu trên.
* Nội dung 2: Đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất:
– Đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước chính bằng phương pháp bán định lượng như: đối với tầng chứa nước Holocen sử dụng phương pháp DRASTIC, Pleistocen (qp) sử dụng phương pháp mô hình số dòng chảy và dịch chuyển vật chất, tầng chứa nước đá vôi Karst (T2a đg) sử dụng phương pháp COP;
– Tính toán xác định nguy cơ và sự dịch chuyển chất gây ô nhiễm nước dưới đất bằng phương pháp mô hình số;
– Thành lập bộ bản đồ khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước tỷ lệ 1:50.000 cho toàn vùng. Bao gồm các bản đồ tổng hợp và bộ bản đồ chỉ số đánh giá khả năng tự bảo vệ tầng chứa nước;
* Nội dung 3: Các đề xuất đánh giá khả năng bảo vệ các tầng chứa nước:
+ Đối với vùng có khả năng tự bảo vệ kém sẽ tiến hành xây dựng thí điểm khoanh đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất với tỷ lệ 1:10.000 (dự kiến mỗi tầng lựa chọn 1 công trình thí điểm);
+ Phân vùng khả năng tự bảo vệ nước dưới đất trên cơ sở đó đề xuất các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất;
3.2. Các hoạt động chính của dự án
– Thu thập kế thừa các số liệu, tổng hợp các tài liệu đã được điều tra trước đây và cập nhật thông tin, số liệu điều tra mới vào nguồn cơ sở dữ liệu xác định sự phân bố các tầng chứa nước, các vùng cần điều tra phục vụ đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước chính.
– Thi công bổ sung các dạng công tác: khoan, hút nước thí nghiệm, trắc địa, thả chất chỉ thị và lấy phân tích mẫu nước, đất;
3.3. Sản phẩm của dự án
a. Các báo cáo
– Báo cáo tổng hợp thuyết minh dự án Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ và báo cáo tóm tắt.
– Các báo cáo chuyên đề:
+ Báo cáo đánh giá hiện trạng hiện trạng mực nước ngầm các tầng chứa nước (qh, qp, T2a đg);
+ Báo cáo đánh giá hiện trạng chất lượng nước các tầng chứa nước (qh, qp, T2a đg);
+ Báo cáo phân tích đánh giá đặc điểm lớp sét cách nước tầng chứa nước Pleistocen;
+ Báo cáo phân tích đánh giá đặc điểm lớp phủ bề mặt nước tầng chứa nước Karst;
+ Báo cáo hiện trạng và nguy cơ của các nguồn gây ô nhiễm (bãi chôn lấp chất thải, bãi rác, nghĩa trang, kho xăng dầu và nguồn nguy cơ gây ô nhiễm khác) ảnh hưởng đến nước dưới đất;
+ Báo cáo phân vùng khả năng tự bảo vệ và đề xuất các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;
b. Bản đồ tỷ lệ 1:50.000
Bản đồ hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ;
Bản đồ đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước Holocen trên, Holocen dưới, Pleistocen và đá vôi karst (bao gồm bản đồ tổng hợp và bản đồ các chỉ số đánh giá kèm theo);
Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ;
Bản đồ khoanh đới bảo vệ công trình khai thác sử dụng nước dưới đất (thí điểm mỗi tỉnh một công trình điển hình kèm theo hồ sơ báo cáo hướng dẫn đầy đủ với tỷ lệ 1:10.000).
c. Các phụ lục:
+ Các bảng tổng hợp, thống kê kết quả điều tra bổ sung theo cấu trúc chứa nước và đơn vị hành chính;
+ Bảng tổng hợp thống kê danh mục các điểm đã điều tra và thông tin khác.
+ Bảng tổng hợp kết quả các dạng công tác: Bơm thí nghiệm, giếng đào; kết quả khảo sát địa vật lý; kết quả khoan, bơm thí nghiệm; kết quả lấy mẫu, phân tích mẫu và quan trắc động thái nước dưới đất;
+ Các bản vẽ mặt cắt, hình vẽ khác;
d. Cơ sở dữ liệu của dự án:
Bao gồm toàn bộ thông tin, dữ liệu, bản đồ số tổng hợp thành file dữ liệu được thực hiện trong khuôn khổ dự án.
4. Đơn vị chủ trì thực hiện, đơn vị phối hợp thực hiện dự án:
– Đơn vị chủ trì Dự án: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.
– Đơn vị thực hiện Dự án: Văn phòng Cơ quan Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Trung tâm Dữ liệu quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước, Trung tâm Kỹ thuật và Tư vấn tài nguyên nước.
– Cơ quan phối hợp thực hiện: Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình./.
(Thanh Loan- VP NAWAPI
Nguồn: Chủ nhiệm Dự án)