Công tác điều tra đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất đã và đang được triển khai rộng rãi trên thế giới và là một nhiệm vụ của điều tra cơ bản về tài nguyên nước

Điều tra và đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất trên thế giới được thực hiện ngày càng phổ biến và đã trở thành một phần quan trọng trong điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất.

Trên thế giới có nhiều công trình điều tra, đánh khả năng tự bảo vệ tầng chứa nước. Điển hình như ở Mỹ đã tiến hành thực hiện các dự án như: Mức độ nhạy cảm nhiễm bẩn nước dưới đất ở Minesota do Porcher thực hiện 1988; Hệ thống tiêu chuẩn để xác định vị trí các bãi thải ở Mỹ do Legrand thực hiện năm 1988; Tính toán nhiễm bẩn Nitrat nước dưới đất ở Mỹ do Viện nước dưới đất và môi trường, Đại học Oklahoma thành lập năm 1988, … Ở vùng Trung Cận Đông có các dự án: bản đồ dễ tổn thương nước dưới đất vùng Irbid do Margane và các cộng sự thực hiện năm 1997 và 1999; khu vực Nam Amman do Hijazi và các cộng sự thực hiện năm 1999,… Ở khu vực Châu Âu có các dự án: Lập bản đồ khả năng dễ bị nhiễm bẩn của Bỉ do sở Tài nguyên nước và môi trường vùng Flemish (Bỉ) thành lập năm 1987; Khả năng dễ bị nhiễm bẩn của nước dưới đất đối với sự ô nhiễm của Nitrat do các hoạt động canh nông ở Anh do sở điều tra đất trồng của Anh, Wale và sở địa chất Anh (Carter, Plamer và Moukhouse) thành lập năm 1987; Đánh giá độ nhạy cảm của tầng chứa nước đối với sự lắng đọng acid ở châu Âu do Holnberg Johnston và Maxe thuộc viện nghiên cứu quốc tế về phân tích hệ thống ứng dụng (IFASA) thành lập năm 1987,… Các dự án điều tra đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất đã được tiến hành và có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn ứng dụng vào thực tế từ hàng thập kỷ qua