Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển gia tăng dân số cùng với các nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn nước gia tăng nhanh chóng, cùng với đó hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang diễn ra mạnh mẽ tác động tới các thủy hệ, làm tăng thêm sự thay đổi phức tạp và nghiêm trọng liên quan tới nguồn nước. Cũng như trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp trên diện rộng và nghiêm trọng, việc dự báo thông thường không đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. Các khu vực kinh tế trọng điểm, là nơi phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ dẫn đến các nguy cơ về suy giảm mực nước, xâm nhập mặn hoặc những vùng ven biển, khan hiếm nguồn nước cần được cảnh báo nguy cơ suy thoái nguồn và xâm nhập mặn trong kỳ khô hạn. Chính vì vậy, việc đánh giá, dự báo tài nguyên nước trở thành vấn đề quan trọng trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Các vùng kinh tế trọng điểm như Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam bộ đều có hệ thống các công trình quan trắc tài nguyên nước quốc gia và địa phương để nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố nhân tạo (phát triển KTXH, khai thác nước) và các nhân tố tự nhiên (BĐKH, nước biển dâng) đến tài nguyên nước. Theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc quốc gia tài nguyên môi trường đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mạng lưới quan trắc quốc gia TNN sẽ được hoàn thiện trên 7 vùng với 56 trạm quan trắc TNN mặt, 113 trạm lồng ghép với trạm thủy văn và 71 trạm, 778 điểm và 1.557 công trình quan trắc TNN dưới đất. Số liệu quan trắc TNN ngày càng nhiều và phân bố trên phạm vi cả nước, đây là những dữ liệu quan trọng để dự báo, cảnh báo TNN.
Hiện trên cả nước hiện có 908 trạm khí tượng thủy văn (454 trạm khí tượng và 354 trạm thủy văn. Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mặt đến năm 2030 là 56 trạm, 113 trạm lồng ghép với trạm thủy văn:
+ Vùng đồng bằng Bắc Bộ: có 12 trạm quan trắc TNN dưới đất với 126 điểm có tổng cộng 198 công trình quan trắc
+ Vùng Bắc Trung Bộ: có 3 trạm quan trắc NDĐ với 26 điểm gồm 46 công trình quan trắc phân bố tại hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
+ Vùng Tây Nguyên: có 10 trạm quan trắc NDĐ với 123 điểm gồm 204 công trình
+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: có 2 trạm quan trắc NDĐ với 29 điểm gồm 41 công trình.
+ Vùng Nam Bộ: có 17 trạm quan trắc NDĐ với 83 điểm gồm 208 công trình phân bố ở 17 tỉnh thành phố vùng Nam Bộ
Trong tương lai, dự kiến sẽ xây dựng thêm 49 trạm quan trắc TNN mặt và có 113 trạm lồng ghép với trạm thủy văn. Số liệu sẽ ngày càng nhiều.Thời gian xây dựng từ 2017 đến 2030. Về nước dưới đất, toàn quốc có 7 vùng quan trắc, hiện đã xây dựng 5 vùng quan trắc (đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Nam trung bộ và Nam Bộ,), còn hai vùng Tây Bắc và Đông Bắc sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện tiếp các vùng quan trắc hiện có .
Các công tác thực hiện gồm: cảnh báo, dự báo tổng lượng nước, khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên các lưu vực sông lớn: 11 LVS liên tỉnh (Srêpôk, Bằng Giang- Kỳ Cùng, Sông Hồng-Thái Bình, sông Cửu Long, Sesan, Đồng Nai, Mã) và các vùng đồng bằng Bắc Bộ; duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ; Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo ngập lụt cho đô thị, dự báo dòng chảy gây vỡ công trình (đập, cống…), dự báo dòng chảy vùng ven biển, xói bồi vùng ven biển, cửa sông, dự báo dòng chảy sát mặt…..
Công tác dự báo tài nguyên nước là dự đoán được xu thế thay đổi cả về chất và lượng tài nguyên nước (bao gồm cả nước măt, nước dưới đất) trên lưu vực sông, dự báo được khả năng cung cấp hay thiếu hụt tài nguyên nước từ đó cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, cho người dân để có thể sử dụng nước hiệu quả, phân bổ hợp lý, tránh thất thoát, lãng phí và khai thác quá mức cạn kiệt nguồn nước. Đối với công tác cảnh báo tài nguyên nước sẽ cảnh báo sớm được những tình hình khẩn cấp cần phải đề phòng gây tiêu cực đến tài nguyên nước, ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.