Nước là tài nguyên có thể tái tạo, song tài nguyên nước của mỗi quốc gia, mỗi vùng vẫn chỉ là hữu hạn; trong khi đó nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế – xã hội không ngừng gia tăng; tình trạng khai thác quá mức nguồn nước nói chung và nguồn nước mặt nói riêng đang làm cho tài nguyên nước ở nhiều lưu vực sông của nước ta đứng trước nguy cơ suy thoái, cạn kiệt. Ngoài ra, tại nhiều khu vực, tài nguyên nước ngày càng trở nên khan hiếm, mâu thuẫn, xung đột trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng quyết liệt, vì vậy việc đưa ra các thông tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước một cách chính xác, kịp thời để phục vụ cho quản lý nhà nước và nhu cầu xã hội về tài nguyên nước ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết.
Đối với công tác quan trắc tài nguyên nước, trong đó công tác quan trắc tài nguyên nước dưới đất được tiến hành từ những năm 1990 tại cả 3 vùng trên cả nước vùng Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sau đó đến năm 2011 được mở rộng đối với vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Mặc dù công tác quan trắc thủy văn được tiến hành từ lâu song công tác quan trắc tài nguyên nước mặt mới được thực hiện từ năm 2011 trên 6 trạm quan trắc thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Các số liệu quan trắc bao gồm mực nước, lưu lượng (nước mặt), nhiệt độ và thành phần hóa được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quan trắc và được biên soạn thành các niên giám tài nguyên nước.
Công tác quan trắc tài nguyên nước chỉ có hiệu quả thiết thực khi các số liệu quan trắc được sử dụng để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo một cách kịp thời, cung cấp đến người sử dụng như các cơ quan quản lý nhà nước, Sở tài nguyên môi trường ở các địa phương, người dân và doanh nghiệp trên cả nước. Trong những năm vừa qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khai thác nước, khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp trên diện rộng, nước sạch tại nhiều khu vực đang trở nên khan hiếm, mâu thuẫn, xung đột trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên nước ngày càng quyết liệt việc đưa ra các cảnh báo, dự báo chính xác về số lượng và chất lượng tài nguyên nước càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn hết.
Trong thời gian qua, công tác dự báo tài nguyên nước cũng đã từng bước được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp tích cực cho công tác quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên, công tác dự báo và cảnh báo tài nguyên nước dưới đất được tiến hành dự báo bằng các phương trình thống kê đơn giản áp dụng cho một số công trình đang xảy ra hạ thấp mực nước và mô hình số để sự báo nguy cơ suy giảm mực nước và xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công tác dự báo tài nguyên nước mặt mới chủ yếu được thực hiện dưới dạng các đề tài nghiên cứu khoa học. Từ năm 2016, mới bắt đầu dự báo tổng lượng nước trên lưu vực sông Srêpôk. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới cần tăng cường công tác dự báo cảnh báo tài nguyên nước cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
* Hiện nay, các bản tin tài nguyên nước mặt mới chỉ được thực hiện dưới dạng thông báo kết quả quan trắc tại các trạm khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Từ năm 2016, bắt đầu dự báo tổng lượng nước tại 4 điểm trên từng tiểu vùng ở LVS Srêpôk. Năm 2017, đã hoàn thiện công tác dự báo tổng lượng nước đến hàng tháng, tăng số điểm dự báo lên 11 điểm và tính toán thêm lượng nước có thể khai thác sử dụng tại các điểm dự báo tài nguyên nước mặt trên LVS Srêpôk,
Trong năm 2018, dự báo tài nguyên nước mặt được triển khai như sau: tiếp tục dự báo tổng lượng nước đến hàng tháng, mùa tại 11 điểm dự báo và tính toán lượng nước có thể khai thác sử dụng tại các điểm dự báo tài nguyên nước mặt trên LVS Srêpôk.
Từ những năm tiếp theo, ngoài việc tiếp tục thực hiện dự báo trên lưu vực sông Srêpôk và căn cứ vào tình hình thực tế sẽ từng bước thực hiện trên các lưu vực sông lớn khác, cụ thể như sau:
+ Phạm vi dự báo ở các lưu vực sông lớn, lưu vực sông liên quốc gia như: Sê San, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng- Thái Bình, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Mã, sông Cả, Đồng Nai, Mê Kông.
+ Các yếu tố có thể dự báo chủ yếu: Dự báo diễn biến mực nước, lưu lượng nước, tổng lượng nước, chất lượng nước, khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia và nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia; dự báo các tác hại do nước gây ra; dự báo tác động biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt;
+ Các nội dung cảnh báo chủ yếu như: Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt, khô hạn, thiếu nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia và các nguy cơ do nước gây ra như xói lở lòng bờ, bãi sông.
* Công tác dự báo tài nguyên nước dưới đất trong những năm gần đây được thực hiện tại 5 vùng thuộc mạng quan trắc quốc gia gồm vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ. Hiện tại, công tác dự báo mực nước mới được thực hiện bằng các phương pháp xác xuất thống kê tại các công trình quan trắc. Tuy nhiên việc dự báo bằng phương pháp thống kê chỉ dự báo được theo điểm, công trình không dự báo được sự suy giảm mực nước theo diện trong thời gian dài, vào theo không gian, không dự báo được biến đổi chất lượng nước, xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước. Không xem xét được tác động của các hoạt động kinh tế xã hội và các yếu thới tiết bất thường đến diễn biến số lượng, chất lượng tài nguyên nước dưới đất.
Đầu năm 2016, thời tiết khô hạn kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng, việc dự báo thông thường không đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. Các khu vực kinh tế trong điểm, là nơi phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ dẫn đến các nguy cơ về suy giảm mực nước, xâm nhập mặn hoặc những vùng ven biển, khan hiếm nguồn nước cần được cảnh báo nguy cơ suy thoái nguồn và xâm nhập mặn trong kỳ khô hạn.
Trước nhu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế xã hội, để tăng cường chất lượng công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, việc biên soạn và cung cấp các bản tin dự báo chuyên đề có tính chất chuyên sâu nhằm cảnh báo phòng chống các nguy cơ tốc độ hạ thấp mực nước dài hạn theo giai đoạn, dự báo và cảnh báo nguy cơ nhiễm mặn trong các tầng chứa nước đối với các vùng kinh tế trọng điểm và vùng khan hiếm nước.
Từ năm 2017 tiến hành trên hai vùng vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long do trên cơ sở kế thừa các mô hình đã được xây dựng trước đây. Năm 2018 tiếp tục cập nhật và dự báo trên hai đồng bằng này.
Những năm tiếp theo, ngoài việc tiếp tục thực hiện dự báo tốc độ hạ thấp mực nước và xâm nhập mặn tại hai vùng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long căn cứ vào tình hình thực tế sẽ từng bước mở rộng và thực hiện đối với các vùng khác.
– Phạm vi dự báo ở các vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
– Các yếu tố có thể dự báo chủ yếu: Dự báo tốc độ hạ thấp mực nước, trữ lượng, chất lượng nước, xâm nhập mặn, sụt lún nền đất; dự báo tác động biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất.
– Các nội dung cảnh báo chủ yếu như: Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt, khô hạn, thiếu nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các nguy cơ do nước gây ra như sụt lún đất
Mạng quan trắc tài nguyên nước (QTTNN) là một thành phần của mạng quan trắc tài nguyên môi trường. Thông tin quan trắc TNN ngày càng quan trọng và được nhà nước, các cấp lãnh đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đầu tư và hàng năm cấp kinh phí duy trì quan trắc. Cơ sở dữ liệu quan trắc của mạng trong nhiều năm qua đã được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương sử dụng vào các việc tính toán tài nguyên nước, làm cơ sở xây dựng các quy hoạch, phân bổ và quản lý tài nguyên nước quốc gia. Trong công tác quan trắc, tính liên tục của cơ sở dữ liệu theo thời gian là cơ sở quan trọng để đánh giá xu hướng, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở để quản lý, phân bổ khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bền vững, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.