Cần có chính sách và biện pháp cụ thể để bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

LVS Hồng – Thái Bình được giới hạn từ 20023’ đến 25030’ vĩ độ Bắc và từ 1000 đến 107010’ kinh độ Đông: Phía Bắc giáp LVS Kim Sa của Trung Quốc; Phía Tây giáp LVS Mê-kông; Phía Nam giáp LVS Mã; Phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ. Phần LVS Hồng – Thái Bình trên lãnh thổ Việt Nam có vị trí địa lý từ: 20023’ đến 23022’ vĩ độ Bắc và từ 102010’ đến 107010’ kinh độ Tây. Lưu vực hệ thống sông Thái Bình nằm trọn trong lãnh thổ nước ta.

Hiện nay, tài nguyên nước LVS Hồng – Thái Bình đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về vấn đề suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước. Đây là một trong những vấn đề nổi cộm và chưa được quan tâm một cách xứng đáng với tầm quan trọng của LVS này trong đời sống kinh tế, chính trị của các tỉnh thuộc LVS. Để giải quyết được vấn đề này, nên chăng chúng ta nên đưa ra một số giải pháp cụ thể cho vấn đề này như sau:

– Tập trung thực hiện các biện pháp xử lý nước thải công nghiệp và làng nghề tại các LVS trọng điểm. Cụ thể như vấn đề nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản tại Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội; nước thải làng nghề tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam… Đặc biệt, cần sớm đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

– Kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và sớm có biện pháp khắc phục ô nhiễm, đặc biệt là các khu vực như: hạ lưu sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê (LVS Cầu), sông Tô Lịch và các sông hồ nội thành Hà Nội, sông Nhuệ từ Hà Đông (Hà Nội) đến Phủ Lý (Hà Nam) (LVS Nhuệ – Đáy).

– Tăng cường các hoạt động quan trắc, giám sát nhằm kiểm soát vấn đề ô nhiễm nước xuyên biên giới đối với LVS Hồng (trọng điểm tại khu vực địa bàn tỉnh Lào Cai). Xây dựng cơ chế các bên cùng tham gia trong kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm nước xuyên biên giới; cơ chế chia sẻ lợi ích, sử dụng nguồn nước… giữa Việt Nam và Trung Quốc.

– Hạn chế cấp phép đầu tư các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: khai thác khoáng sản, sản xuất bột giấy, hóa chất, nhuộm, thuộc da…

– Ngăn chặn triệt để nạn phá rừng, tăng cường trồng rừng và phải đạt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng phòng hộ. Đồng thời, phối hợp thực hiện việc điều tiết nước sông trong mùa khô và mùa lũ, đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát lũ và tăng khả năng tự làm sạch của các sông.

Muốn đạt được các vấn đề trên, cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương. Việc đưa ra bản quy hoạch LVS Hồng – Thái Bình với mục tiêu cho năm 2030 và tầm nhìn 2050 về cơ bản sẽ là chìa khóa để giải quyết những khó khăn trên./.