Nguồn nước dưới đất (nước ngầm) vô cùng quý giá, có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trước sức ép về tăng trưởng kinh tế, dân số tăng nhanh, ô nhiễm môi trường… khiến nguồn nước đang dần bị suy giảm và cạn kiệt. Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước ngầm phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng tiết kiệm, hiệu quả đang là vấn đề hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Một góc thành phố Bắc Ninh ngày nay.
Thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vừa là cửa ngõ phía Đông Bắc, vừa là cầu nối giữa Hà Nội với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Vì vậy, đánh giá tiềm năng và hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất vùng đô thị Bắc Ninh góp phần xây dựng phát triển kinh tế tỉnh nói riêng và góp phần phát triển đất nước nói chung.
Nước dưới đất hiện được khai thác chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và sử dụng trong sản xuất kinh doanh. Trên phạm vi đô thị Bắc Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện dự án điều tra, thống kê và lập danh mục công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất vùng đồng bằng sông Hồng kết hợp với tài liệu cấp phép khai thác nước dưới đất. Số liệu về hiện trạng các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất như sau: Hệ thống khai thác tập trung, gồm các công trình lấy nước có nhiều giếng khoan, khai thác liên tục suốt ngày đêm với công suất từ 1.000m3/ngày trở lên. Điển hình như Nhà máy nước Tp. Bắc Ninh 20.000 m3/ngày, khu công nghiệp Vsip Bắc Ninh 15.000 m3/ngày, Khu công nghiệp Quế Võ 8.200 m3/ngày, khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn 7.200 m3/ngày, Nhà máy nước Từ Sơn 4.500 m3/ngày, khu công nghiệp Đông Thọ 1.800 m3/ngày… Tiếp đến là hệ thống khai thác nước đơn lẻ gồm các trạm cấp nước nhỏ có công suất sử dụng dưới 500 m3/ngày do các công ty sản xuất kinh doanh tự khoan, tự vận hành như Công ty bia Việt Hà 300 m3/ngày, Nhà máy Suntory Từ Sơn – Bắc Ninh 5.000 m3/ngày, nhà máy sữa Tiên Sơn 2.800 m3/ngày… Đối với khai thác theo tầng chứa nước: theo tài liệu cấp phép khai thác nước dưới đất trên phạm vi đô thị Bắc Ninh đến hết năm 2018 đã cấp phép 64.800 m3/ngày khai thác trong tầng qp. Cuối cùng là hiện trạng khai thác theo đơn vị hành chính: TP. Bắc Ninh 20.000 m3/ngày, Thị xã Từ Sơn 24.500 m3/ngày, Yên Phong 1.800 m3/ngày, Tiên Du 10.300 m3/ngày, Quế Võ 8.200 m3/ngày.
Qua các kết quả nghiên cứu, điều tra, vùng đô thị Bắc Ninh tầng qh có chiều dày tương đối mỏng, một số nơi bị nhiễm mặn nên ý nghĩa khai thác sử dụng không lớn, các tầng chứa nước khe nứt tuổi Trias có mức độ chứa nước không đồng đều, một số nơi cũng bị nhiễm mặn nên ý nghĩa khai thác của nó cũng bị hạn chế. Các công trình nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung tính toán trữ lượng khai thác tiềm năng cho tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocene – hệ tầng Hà Nội (qp). Trưc lượng nước dưới đất của vùng không lớn ( trữ lượng khai thác tiềm năng: 842.410 (m3/ngày). Trữ lượng đã được phê duyệt: Nhà máy nước Bắc Ninh 20.000 m3/ng; Nhà máy nước Từ Sơn 4.500m3/ng; Khu công nghiệp Vsip Từ Sơn Bắc Ninh 15.000 m3/ng, Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn 7.200 m3/ng…
Do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trong vùng đã làm suy giảm trữ lượng của tầng qh và qp trong thời gian qua (mực nước trong các lỗ khoan quan trắc giảm hàng năm với mức giảm trung bình từ 0,1 đến 0,3 m/năm).
Nước dưới đất trong vùng đã và đang có dấu hiệu nhiễm bẩn bởi các kim loại như Mn, Fe, Pb, As, các chất hữu cơ như amoni và vi khuẩn gây bệnh.
Hiện tại, trên phạm vi đô thị các thông tin về suy thoái nguồn nước chưa có số liệu đầy đủ, để bức tranh tổng thể về hiện trạng khai thác và các tác động, nguy cơ về cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn có thể xảy ra do khai thác nước dưới đất trên phạm vi đô thị Bắc Ninh cần phải điều tra, đánh giá cụ thể trong giai đoạn này. Đây là những vấn đề cần sớm được giải quyết nhằm quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngầm, phát huy hiệu quả vai trò của nguồn nước ngầm trong đời sống, xã hội của nhân dân trong tỉnh.