* Cách tiếp cận:
Hiện nay các nghiên cứu trên thế giới đã nghiên cứu và chỉ ra tác động của việc xây dựng các công trình ngầm đến sự suy giảm trữ lượng, sự thay đổi về chất lượng các tầng chứa nước, cụ thể;
– Tác động gây suy giảm trữ lượng các tầng chứa nước: phá vỡ cấu trúc các tầng chứa nước; làm giảm thể tích chứa nước các tầng chứa nước; làm thay đổi hướng vận động, động thái nước dưới đất; giảm tính thấm của các tầng chứa nước, giảm lượng bổ cập cho các tầng bên dưới.
– Tác động làm thay đổi chất lượng các tầng chứa nước: cụ thể nước bị ô nhiễm, nhiễm bẩn từ trên mặt có thể thấm xuống di chuyển vào các tầng chứa nước làm biến đổi chất lượng các tầng chứa nước này.
Như vậy cách tiếp cận theo hướng nghiên cứu các tác động của việc xây dựng các công trình ngầm nêu trên đến sự suy giảm trữ lượng, sự thay đổi về chất lượng các tầng chứa nước và sử dụng phương pháp phân tích thống kê truyền thống cũng như các công cụ, kỹ thuật hiện đại (phương pháp mô hình số) để đánh giá, dự báo tác động. Qua đó nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí bảo vệ các tầng chứa nước trong khi thi công các công trình ngầm.
* Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng:
– Phương pháp kế thừa, thu thập tài liệu:Các số liệu điều tra từ trước đến nay về nước mặt, nước dưới đất, về địa chất, ĐCTV, tài liệu về hiện trạng các công trình ngầm về địa chất, thảm thực vật sẽ được thu thập kế thừa, thống kê, hệ thống hóa khai thác sử dụng để giảm bớt khối lượng công tác điều tra trực tiếp.
– Phương pháp GIS, viễn thám:Sử dụng công nghệ GIS để nghiên cứu cấu trúc địa chất, ĐCTV, sự phân bố các công trình xây dựng, các công trình ngầm trên đại bàn nghiên cứu. Các nội dung nghiên cứu sẽ được xử lý bằng các phần mềm chuyên dụng như Mapinfo, ArcGIS.
– Điều tra khảo sát thực địa: Tiến hành để nghiên cứu xác định hiện trạng các công trình xây dựng, các công trình ngầm; nghiên cứu, xác định, lựa chọn khu vực điển hình để lựa chọn khoan nghiên cứu cấu trúc, hút nước thí nghiệm xác định thông số ĐCTV và lấy mẫu nước đánh giá sự thay đổi về chất lượng các tầng chứa nước.
– Phương pháp khoan đào: Phương pháp khoan đào được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc địa chất, ĐCTV và các thông số ĐCTV bổ sung.
– Phương pháp thí nghiệm ngoài trời:Thí nghiệm thấm để xác định các thông số ĐCTV như bơm thí nghiệm thả chất chỉ thị.
– Phương pháp mô hình:Áp dụng tổ hợp mô hình số VisualModflow và Xây dựng mô hình dịch chuyển vật chất bằng mô hình MT3D. Để xác định sự suy giảm trữ lượng và sự thay đổi chất lượng các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ:
– Phương pháp chuyên gia: Bằng các cuộc hội thảo khoa học, để nhận được nhiều ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia cũng như các nhà quản lý, cơ quan, ban ngành liên quan, giúp nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của đề tài. Phương pháp này sẽ được áp dụng trong toàn bộ quá trình thực hiện từ khi xây dựng đề cương đến từng nội dung công việc của đề tài và báo cáo tổng kết.