Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vành đai phát triển của trung tâm kinh tế trọng điểm Miền Bắc, là vùng lan tỏa của tam giác kinh tế: Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long. Thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2014. Các vấn đề về tài nguyên nước ở đô thị Vĩnh Yên có những đặc điểm sau:
- Cạn kiệt, nguy cơ cạn kiệt nước dưới đất
– Tầng chứa nước Pleistocen:
+ Khu vực xã Vân Hội, huyện Tam Dương, kết quả quan trắc mực nước tại điểm Q.4 cho thấy mức độ suy thoái của tầng qp theo thời gian. Theo kết quả quan trắc, tính đến tháng 10/2016, mực nước tuyệt đối tầng qp tại điểm quan trắc này là 6,9m.
Đồ thị dao động mực nước tại điểm quan trắc Q.4
+ Theo kết quả quan trắc tại điểm quan trắc Q.5, mực nước tầng qp tại thành phố Vĩnh Yên có biểu hiện suy thoái, tuy nhiên mức độ suy thoái không nhiều. Tốc độ suy thoái hằng năm trong giai đoạn 2004 – 2013 đạt 0,97 m/năm.
Đồ thị dao động mực nước tại điểm quan trắc Q.5
+ Do ảnh hưởng khai thác nước tập trung trong tầng chứa nước qp, đặc biệt là khu vực TP Vĩnh Yên mà trung tâm bãi giếng là công trình Q.5 dẫn đến tốc độ hạ thấp mực nước trung bình thời gian 10 năm gần đây là 0,07- 0,08 mét/năm.
– Tầng chứa nước Neogen:
Do ảnh hưởng của việc khai thác nên mực nước tại Q.4a Tam Dương – Vĩnh Phúc mực nước có xu hướng suy giảm liên tục với tốc độ trung bình 0,14m /năm (tính từ năm 2004).
Đồ thị dao động mực nước tại điểm quan trắc Q.4a
- Ô nhiễm nước dưới đất
Trên cơ sở kết quả phân tích chất lượng nước dưới đất thuộc mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất quốc gia, kết quả quan trắc môi trường của tỉnh và kết quả phân tích của các dự án trước đó, chất lượng nước dưới đất vùng nghiên cứu có các vấn đề như sau:
– Huyện Yên Lạc: hàm lượng Mangan, sắt vượt quá giới hạn cho phép tại xã Trung Hà; Amoni tại khu vực xã Liên Châu, Asen, chì, phenol, cadimi tại thị trấn Yên Lạc; Asen tại xã Nguyệt Đức và xã Yên Phương.
– Huyện Vĩnh Tường: Hàm lượng Asen, coliform vượt quá giới hạn cho phép tại xã Vĩnh Thịnh, Đại Đồng. Hàm lượng sắt tại xã Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Tường, hàm lượng chì tại xã Cao Đại, Mangan tại xã Yên Lập, Amoni tại thị trấn Thổ Tang và xã Tứ Trưng vượt quá giới hạn cho phép.
– Thành phố Vĩnh Yên: Hàm lượng Chì và Amoni vượt quá giới hạn cho phép tại khu vực phường Khai Quang.
– Huyện Tam Dương: Hàm lượng chì, mangan và coliform tại xã Đồng Tĩnh, xã Vân Hội, Hoàng Đan và Hợp Thịnh vượt quá giới hạn cho phép. Hàm lượng Asen, cadimi tại xã Kim Long vượt quá giới hạn cho phép.
Tóm lại, vấn đề chính đối với nước dưới đất tại khu vực đô thị Vĩnh Yên là nguy cơ cạn kiệt nguồn nước dưới đất và ô nhiễm nước dưới đất do khai thác quá mức, các hoạt động xả thải ra nguồn nước tại các khu công nghiệp, các làng nghề…