Các giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.

DL117Xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong những năm qua diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm ứng phó hiệu quả với vấn đề trên, một số giải pháp đã được đưa ra bao gồm:

– Tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn.

Ở ĐBSCL, hiện nay các vị trí quan trắc mặn đã được bổ sung phù hợp với Quyết định số16/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc Tài nguyên và Môi trường quốc gia đến năm 2020Tuy nhiên, để có thể giám sát được đầy đủ phân bố mặn trong quá trình truyền triều – mặn, cần xem xét tăng cường chế độ quan trắc ở 2 khía cạnh: – Tại mỗi vị trí lấy mẫu: lấy ít nhất 3 thủy trực: bờ trái, bờ phải và giữa dòng. – Bố trí quan trắc mặn tại lân cận thời điểm xảy ra chuyển triều (chuyển triều khi triều lên và chuyển triều khi triều xuống).

– Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong Ủy hội Mê Công và Trung Quốc.

Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mê Công trên cơ sở Hiệp định Mê Công 1995 để cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc phát triển và thịnh vượng chung cho cả khu vực, hoặc bằng các ký kết song phương với từng quốc gia, hay đa phương với cả khu vực. Đó là nghiên cứu thiết lập: Các đập, hồ tích trữ nước trong mùa mưa để giảm thiểu lũ lụt và sử dụng nước trong mùa hạn, không phương hại lẫn nhau; Chuyển nước qua biên giới giữa Cămpuchia và Việt Nam với việc tập trung kiểm soát lũ, điều tiết dòng chảy…

– Điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực.

– Lựa chọn cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ.

– Kiện toàn hệ thống đê và thành lập nhiều khu tứ giác.

Trước hết cần nhân rộng mô hình thành công ở Tứ giác Long Xuyên và ngọt hoá Gò Công. Một trong những ưu điểm của các mô hình trên là hình thành các khu vực được bảo vệ trước lũ, xâm nhập mặn nhưng vẫn chủ động trong việc dẫn nước lũ vào cải tạo đồng ruộng vừa dẫn một phần nước lợ phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Để bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân, phải tạo ra các vùng đất an toàn về lũ, xâm nhập mặn và chủ động kiểm soát nguồn nước: vào mùa lũ có hệ thống đê cao bảo vệ, có hệ thống cống và hệ thống tưới tiêu chủ động. Có như vậy, mới có thể sản xuất nông nghiệp với loại cây cần đất phù hợp và thực hiện công nghiệp hóa nông thôn.

– Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng.

– Xây dựng đập ngầm.

DL118

Nước mặn hiện tại đã xâm nhập ngày càng vào sâu vào nội địa. Trong bối cảnh nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ càng nghiêm trọng hơn đây là một nguy cơ lớn cần phải từng bước giải quyết. Biện pháp làm đập, như đập Ba Lai, trên tất cả các cửa sông ở ĐBSCL có các hạn chế: ĐBSCL bị khép kín, không bị ảnh hưởng của thủy triều, tác động rất lớn đến môi sinh, đời sống động thực vật và con người, và tạo ô nhiễm nước bên trong; Hoạt động giao thông thủy gặp nhiều khó khăn. Một giải pháp thích hợp (mang tính tham khảo), vừa chống mặn xâm nhập trên sông, vừa duy trì ảnh hưởng của chế độ thủy triều của Biển Đông, vừa duy trì sinh môi mặn của vùng duyên hải, vừa thuận lợi cho tàu bè lớn lưu thông là áp dụng kiểu đập ngầm (Underwater sill) trên sông Mississippi của Hoa Kỳ.

– Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông.

– Quản lý tổng hợp tài nguyên nước khu vực ĐBSCL và lưu vực sông Mê Công.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (QLTHTNN) là một trong những biện pháp tích cựcvà hiệu quả nhất để quản lý nguồn nước ngọt ở các địa phương, gián tiếp đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn. Để thực hiện giải pháp này cần thực hiện theo 4 nguyên tắc của Dublin.

(Thanh Sơn)