Thành phố Hồ Chí Minh một thành phố trọng điểm kinh tế của cả nước, đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Nhu cầu nước cho phát triển kinh tế, xã hội của thành phố ngày càng tăng, do vậy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn, trên địa bàn thành phố. Lưu lượng khai thác nước dưới đất vùng thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đã gia tăng nhanh chóng. Nguy cơ dẫn đến suy thoái và ô nhiễm các tầng chứa nước do khai thác đang diễn ra ngày càng rõ nét. Vì vậy đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn I; Đô thị: thành phố Hồ Chí Minh” với mục tiêu: trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở TP. Hồ Chí Minh, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất đã được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt cho triển khai. Trên phạm vi thành phố Hồ Chí Minh có 7 tầng chứa nước lỗ hổng trong đó có 6 tầng chứa nước chính cần bảo vệ là qh, qp3, qp2-3,qp1,n22,n21.
1.Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Holocen
Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Holocen (sẽ được gọi tắt là tầng chứa nước qh) bao gồm đất đá hạt thô của các đất đá tuổi Holocen (Q2). Tầng chứa nước qh phân bố thành một dải hẹp phía tây nam vùng nghiên cứu có tổng diện tích phân bố tầng chứa nước qh trong vùng nghiên cứu là 196,2km2. Thành phần đất đá chủ yếu của tầng chứa nước qh là cát bột, cát mịn màu xám, trắng xám xen lẫn nhiều vỏ sò, ốc.
2.Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistocen trên
Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistocen trên (sẽ được gọi tắt là tầng chứa nước qp3) bao gồm đất đá hạt thô bên dưới của các trầm tích tuổi Pleistocen thượng (Q13). Tầng chứa nước qp3 phân bố trên phần lớn diện tích vùng nghiên cứu với diện tích 1.224,6km2. Theo tài liệu thống kê từ 204 lỗ khoan trong vùng khoan qua tầng chứa nước qp3 (xem chi tiết trong Sổ phân tầng địa chất thủy văn) cho thấy chiều sâu tới mái tầng chứa nước từ 0,0m (các lỗ khoan 02D, 02T, 820-TP, 9-02A, 9-02B, 9-02T, D19, M1A, M1B, M1C, M1T) đến 51,5m (lỗ khoan 819-TP), trung bình 13,3m; chiều sâu tới đáy tầng chứa nước từ 5,6m (lỗ khoan 9-02C) đến 78,0m (lỗ khoan TP3), trung bình 36,0m; chiều dày tầng chứa nước từ 3,9m (lỗ khoan 9-02C) đến 63,9m (lỗ khoan N5), trung bình 22,6m. Thành phần thạch học chủ yếu là cát mịn đến trung, đôi chỗ thô, cát bột, bột cát phân lớp, phân nhịp khá dày tùy nơi, màu trắng, xám trắng, xám vàng đôi khi có lẫn sạn sỏi. Trên các mặt cắt thường hiện diện các thấu kính hạt mịn bột, bột sét, sét… làm ảnh hưởng đến độ giàu nước. Tầng chứa nước phủ trực tiếp trên thành tạo rất nghèo nước Q12-3, một vài nơi lại phủ trên Q11 và N22. Bên trên thường bị phủ bởi thành tạo địa chất rất nghèo nước Q-13. Theo các mặt cắt theo hướng đông bắc – tây nam (từ mặt cắt I-I đến mặt cắt VIII-VIII) bề dày tầng chứa nước có xu hướng vát mỏng về phía ranh giới phân bố phía đông và đông bắc tăng dần về phía nam và tây nam.
3.Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistocen giữa – trên
Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistocen giữa – trên (sẽ được gọi tắt là tầng chứa nước qp2-3). Tầng chứa nước qp2-3 phân bố trên phần lớn diện tích vùng nghiên cứu với diện tích 1.399,4km2, vắng mặt ở xung quanh khu vực lộ đá ở phường Long Bình – quận 9 phía đông vùng nghiên cứu và một vùng nhỏ phía nam vùng nghiên cứu thuộc xã Hiệp Phước – huyện Nhà Bè. Theo tài liệu thống kê từ 156 lỗ khoan trong vùng khoan qua tầng chứa nước qp2-3 (xem chi tiết trong Sổ phân tầng địa chất thủy văn) cho thấy chiều sâu tới mái tầng chứa nước từ 0,0m (lỗ khoan 817-TP) đến 108,0m (lỗ khoan 08C), trung bình 49,9m; chiều sâu tới đáy tầng chứa nước từ 17,0m (lỗ khoan 806-TP) đến 141,0m (lỗ khoan 06T), trung bình 82,9m; chiều dày tầng chứa nước từ 5,0m (lỗ khoan 9-02A và 9-02T) đến 84,0m (lỗ khoan 06T), trung bình 32,6m. Tầng chứa nước qp2-3 có thành phần thạch học chủ yếu là cát mịn đến thô, cát bột, bột cát… phân lớp, phân nhịp khá dày tùy nơi màu xám trắng, xám vàng, đỏ nâu loang lổ đôi khi có lẫn sạn sỏi. Trên các mặt cắt thường hiện diện các thấu kính bột, bột sét, sét… làm ảnh hưởng đến độ giàu nước của tầng chứa nước. Tầng chứa nước phủ trực tiếp trên thành tạo rất nghèo nước Q11. Bên trên thường bị phủ bởi thành tạo địa chất rất nghèo nước Q12-3. Theo các mặt cắt cho thấy tầng chứa nước nổi lên ở phía đông (quận Thủ Đức và phía đông huyện Củ Chi gần sông Sài Gòn) và chìm sâu về phía biển và Tây Nam Bộ.
4.Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistocen dưới
Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistocen dưới (sẽ được gọi tắt là tầng chứa nước qp1) bao gồm đất đá hạt thô phần dưới của các trầm tích tuổi Pleistocen hạ (Q11). Tầng chứa nước qp1 phân bố trên phần lớn diện tích vùng nghiên cứu với diện tích 1.380,2km2, vắng mặt ở xung quanh khu vực lộ đá ở phía đông vùng nghiên cứu (ở phường Linh Trung – quận Thủ Đức, phường Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Tân Phú – quận 9). Theo tài liệu thống kê từ 140 lỗ khoan trong vùng khoan qua tầng chứa nước qp1 (xem chi tiết trong Sổ phân tầng địa chất thủy văn) cho thấy chiều sâu tới mái tầng chứa nước từ 24,5m (lỗ khoan 806-TP) đến 151,0m (lỗ khoan 06T), trung bình 92,7m; chiều sâu tới đáy tầng chứa nước từ 42,1m (lỗ khoan 817-TP) đến 172,0m (lỗ khoan 08C), trung bình 124,3m; chiều dày tầng chứa nước từ 1,8m (lỗ khoan 817-TP) đến 75,5m (lỗ khoan G20A), trung bình 32,4m. Tầng chứa nước qp1 có thành phần thạch học chủ yếu gồm cát mịn, mịn đến thô có lẫn sạn sỏi phân lớp và phân nhịp khá dày màu vàng, vàng nâu, trắng xám. Thường xen kẹp thấu kính cát bột, bột sét. bột cát. Tầng chứa nước phủ trực tiếp trên thành tạo rất nghèo nước N22, bên trên thường bị phủ bởi thành tạo địa chất rất nghèo nước Q12-3. Theo các mặt cắt hướng đông bắc – tây nam (từ mặt cắt I-I đến mặt cắt VIII-VIII) bề dày tầng chứa nước có xu hướng vát mỏng về phía ranh giới phân bố ở phía đông vùng nghiên cứu.
5.Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pliocen giữa
Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pliocen giữa (sẽ được gọi tắt là tầng chứa nước n22) phân bố trên phần lớn diện tích vùng nghiên cứu với diện tích 1.394,1km2, vắng mặt ở xung quanh khu vực lộ đá ở phía đông vùng nghiên cứu (thuộc phường Long Bình – quận 9) và khu vực giáp ranh 2 quận Thủ Đức và Bình Thạnh (gồm một phần diện tích các phường 13, 26, 27, 28 – quận Bình Thạnh và phường Hiệp Bình Chánh, hiệp Bình Phước – quận Thủ Đức). Tầng chứa nước n22 bao gồm đất đá hạt thô phần dưới của các trầm tích tuổi Pliocen trung (N22), thành phần thạch học chủ yếu gồm cát trung, mịn – trung đến thô có lẫn sạn sỏi màu vàng, vàng nâu, nâu đỏ, xám xanh, trắng xám phân lớp, phân nhịp khá rõ. Thường xen kẹp thấu kính cát bột, bột sét, bột cát. Tầng chứa nước thường phủ trực tiếp trên thành tạo rất nghèo nước N21, phần rìa phía đông lại phủ trên các thành tạo không chứa nước Mesozoi (MZ); thường bị phủ bởi thành tạo địa chất rất nghèo nước N22. Từ các mặt cắt cho thấy tầng chứa nước phân bố thành các dải hẹp phía đông ven sông Sài Gòn và chìm sâu về phía biển và Tây Nam Bộ. Theo tài liệu thống kê từ 77 lỗ khoan trong vùng khoan qua tầng chứa nước n22 (xem chi tiết trong Sổ phân tầng địa chất thủy văn) cho thấy chiều sâu tới mái tầng chứa nước từ 49,0m (lỗ khoan 10B) đến 174,0m (lỗ khoan Q605070), trung bình 130,1m; chiều sâu tới đáy tầng chứa nước từ 66,9m (lỗ khoan 817-TP) đến 224,4m (lỗ khoan N5), trung bình 169,5m; chiều dày tầng chứa nước từ 10,0m (lỗ khoan 820-TP) đến 79,5m (lỗ khoan 826-TP), trung bình 39,4m .
6.Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pliocen dưới
Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pliocen dưới (sẽ được gọi tắt là tầng chứa nước n21) phân bố trong vùng nghiên cứu với diện tích 1.114,1km2, vắng mặt ở phía đông từ quận 12 đến huyện Cần Giờ. Tầng chứa nước n21 bao gồm đất đá hạt thô phần dưới của các trầm tích tuổi Pliocen hạ (N21), thành phần thạch học chủ yếu là cát trung, trung thô, mịn phân nhịp, phân lớp khá rõ, đôi khi có lẫn sạn sỏi màu xám xanh, xanh lục, vàng nâu. Thường xen kẹp các thấu kính hạt mịn khá dày từ vài mét đến khoảng vài chục mét. Tầng chứa nước phủ trực tiếp trên thành tạo rất nghèo nước N13 và bị phủ bởi thành tạo địa chất rất nghèo nước N21. Tầng chứa nước nổi lên ở phía đông bắc và có xu hướng chìm sâu dần theo hướng tây nam. Theo tài liệu thống kê từ 28 lỗ khoan trong vùng khoan qua tầng chứa nước n21 (xem chi tiết trong Sổ phân tầng địa chất thủy văn) cho thấy chiều sâu tới mái tầng chứa nước từ 79,5m (lỗ khoan 820-TP) đến 233,0m (lỗ khoan Q605070), trung bình 168,2m; chiều sâu tới đáy tầng chứa nước từ 110,0m (lỗ khoan 820-TP) đến 276,6m (lỗ khoan 812-TP), trung bình 204,0m; chiều dày tầng chứa nước từ 4,2m (lỗ khoan N2) đến 80,1m (lỗ khoan 826-TP), trung bình 39,3m .