Đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ phục vụ Điều tra và quy hoạch tài nguyên nước dưới đất

Đồng bằng Bắc Bộ có tiềm năng nước dưới đất phong phú với trữ lượng khai thác tiềm năng đến 17,19 triệu m3/ngày, trong đó trữ lượng có thể khai thác mà không làm cạn kiệt nguồn nước có thể chiếm một nửa. Theo thống kê đến thời điểm nghiên cứu, các tỉnh và thành phố ở ĐBBB hiện tại mới chỉ khai thác sử dụng khoảng 2,26 triệu m3/ngày, chiểm 13,17% trữ lượng khai thác tiềm năng. Dưới tác động các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, trong đó chủ yếu là tác động do con người gây ra làm cho nước dưới đất có sự biến động sâu sắc với xu hướng xấu đi. Để hạn chế sự suy giảm trữ lượng và ô nhiễm nước dưới đất cần thực hiện một loạt các giải pháp, trong đó giải pháp hàng đầu là khai thác hợp lý, chỗ nào có thể khai thác, ở đâu cấm khai thác và hạn chế khai thác, đồng thời cần tổ chức giám sát chặt chẽ sự biến động tài nguyên nước dưới đất bằng công tác quan trắc động thái lâu dài thường xuyên và bổ sung nhân tạo nước dưới đất một cách kịp thời.

Nước dưới đất ở đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) tồn tại chủ yếu trong các thành tạo bở rời trầm tích Đệ tứ và Nogen. Do điều tra nghiên cứu chưa đầy đủ, khai thác sử dụng chưa hợp lý, tài nguyên nước dưới đất đang biến động mạnh mẽ. Một mặt nước dưới đất ở một số diện tích trên đồng bằng đang bị giảm về trữ lượng, xấu về chất lượng. Ngược lại, có tầng chứa nước mới đã được phát hiện, nhiều diện tích nước nhạt đang được mở rộng. Bài báo giới thiệu kết quả đánh giá hiện trạng tài nguyên nước dưới đất về sự phân bố các tầng chứa nước, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất, hiện trạng khai thác sử dụng ở ĐBBB, đồng thời phân tích sự biến động tài nguyên nước về số lượng và chất lượng trong nhiều thập kỷ qua, đánh giá các nguyên nhân gây ra những biến động đó và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ khai thác bền vững tài nguyên nước dưới đất ở ĐBBB. Nước dưới đất lãnh thổ Việt Nam tồn tại trong các thành tạo cát cuội sỏi bở rời, cát bột kết, bazan, đá vôi và một số thành tạo khác tạo thành các tầng chứa nước chính trong các miền Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Trong mấy thập kỷ qua, dưới tác động của tự nhiên và con người, nước dưới đất trong các cấu trúc chứa nước trong lãnh thổ Việt Nam biến động rất mạnh mẽ. Nhiều tầng chứa nước đã được phát hiện trước kia, hiện nay do khai thác sử dụng một cách chưa hợp lý nên tài nguyên nước dưới đất đang có sự biến động theo hướng xấu đi. Ngược lại, nhiều tầng chứa nước mới đã được phát hiện, nhiều diện tích nước nhạt đang được mở rộng, nhiều vùng núi đá vôi xa xôi hẻo lánh đến nay đã tìm được nguồn nước dưới đất để sử dụng. Trong số những cấu trúc chứa nước nêu trên thì cấu trúc chứa nước ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ có sự biến động mạnh mẽ nhất. Vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình) qua các nghiên cứu địa chất thủy văn đã xác định trong khu vực có 3 tầng chứa nước trong trầm tích bở rời: Holocen trên, Holocen dưới, Pleistocen, và 2 tầng chứa nước khe nứt: Neogen hệ tầng Vĩnh Bảo và tầng chứa nước Karst hệ tầng Đồng Giao.

Dự án đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước trong 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Dự án cũng đánh giá tiềm năng nước dưới đất, xác định điều kiện phân bố, biến động các nguồn nước dưới đất tại khu vực trọng điểm, đánh giá khả năng khai thác sử dụng nước dưới đất phục vụ dân sinh tại các thấu kính nước ngọt quý giá trong khu vực. Các ngành kinh tế – xã hội có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ căn cứ thông tin kết quả điều tra cũng như quy hoạch, kế hoạch khai thác nguồn nước để xây dựng và thực hiện quy hoạch chuyên ngành giảm thiểu các rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế. Các công trình điều tra, các quy hoạch phân vùng bảo vệ khai thác nước dưới đất và các đới bảo vệ được thiết lập sẽ đảm bảo an toàn cho khai thác bền vững trong tương lai. Đối với các sản phẩm báo cáo, các chuyên đề và cơ sở dữ liệu làm công cụ cho công tác quản lý, khai thác tài nguyên nước của các tỉnh trong nhiều năm, chất lượng và hiệu quả giải quyết công được nâng cao nhờ giảm thiểu thời gian, chi phí thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin ra quyết định quản lý. Các công cụ này còn giúp các cơ quan quản lý xây dựng, hoạch định được các kế hoạch, biện pháp quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước và phát triển kinh tế xã hội cho các ngành khai thác, sử dụng nguồn nước của các tỉnh một cách bền vững. Các giá trị tạo ra mang tính chất dịch vụ công, khó định lượng được cụ thể bằng giá trị về kinh tế tài chính. Tuy nhiên, hiệu quả về kinh tế tài chính cũng đã được xem xét trong quá trình thiết kế dựa trên sự vận dụng các định mức kinh tế – kỹ thuật để tạo ra kết quả có ý nghĩa kinh tế đối với toàn xã hội do việc khai thác, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu các tác hại cho các ngành kinh tế, xã hội và môi trường.

Tính dễ bị tổn thương của nước ngầm là đặc điểm xác định mức độ nhạy cảm của các yếu tố khác nhau trong một tầng chứa nước do chịu tác động bất lợi của một lượng chất gây ô nhiễm tác động lên. Mức độ nhạy cảm tầng nước ngầm phụ thuộc vào đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn, lớp phủ bảo vệ, lượng bổ cập,… mà chúng ta xét đến. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), mức độ dễ bị tổn thương là quá trình một chất gây ô nhiễm nằm trên hoặc gần bề mặt có thể tương đối dễ dàng di chuyển đến các tầng chứa nước ngầm. Như vậy, việc xem xét khả năng tự bảo tức là xem xét khả có thể chống lại các nguy cơ ô nhiễm từ các yếu tố bên ngoài vào tầng chứa nước hoặc do chính nội ọai tầng chứa nước cần phải được xem xét cụ thể và có những điều tra đánh giá thích hợp.

Các công việc đánh giá khả năng tự bảo vệ của tầng chứ nước bao gồm:

1. Thu thập và nghiên cứu các tài liệu đã điều tra về tài nguyên nước (nước ngầm, nước mặt và nước mưa); các tài liệu về hiện trạng khai thác sử dụng và xả thải vào nguồn nước, các tài liệu về mức độ cạn kiệt và ô nhiễm nước dưới đất có liên quan đến nội dung lập Dự án.

2. Thành lập các sơ đồ chuyên môn tỉ lệ 1/50.000: Sơ đồ địa chất thủy văn, sơ đồ bố trí công trình. Đánh giá sơ lược về các đặc điểm thủy văn, khí tượng, địa chất thủy văn, hiện trạng khai thác sử dụng, mức độ cạn kiệt và nhiễm bẩn nước dưới đất làm cơ sở thiết kế các dạng công tác điều tra và mạng lưới công trình nghiên cứu.

3. Tiến hành xây dựng các phương pháp, nội dung điều tra, nghiên cứu đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất.  

Dự án là cơ sở cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là người dân đang sinh sống tại các vùng nông thôn được tiếp cận nhận thức về nguồn nước sạch và việc bảo vệ nước dưới đất, nguồn nước trực tiếp hàng ngày người dân sử dụng, khai thác. Kết quả điều tra cũng là cơ sở thực hiện các giải pháp, phương án phân bổ bảo vệ nguồn nước để thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng, quyền lợi và nghĩa vụ trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước giữa các ngành kinh tế, xã hội; làm cơ sở xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước dưới đất và bảo vệ môi trường trên địa bàn các tỉnh.