Xác định các thành phần tham gia vào cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho lưu vực sông có thực sự cần thiết ?

Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người đã nảy sinh các vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt, tranh chấp nguồn nước… vì vậy cần thiết phải giải quyết được bài toán phân bổ tài nguyên nước hợp lý phục vụ khai thác, sử dụng một cách hài hòa, bền vững các nguồn nước.
Rõ ràng là nhà nước phải đóng một vai trò quan trọng thường xuyên, nhưng để vai trò này được hiệu quả, nó cũng phụ thuộc các mối quan hệ chính trị ảnh hưởng tới các bên liên quan khác nhau và các thành phần xã hội. Phân bổ nguồn nước theo đối tượng sử dụng về cơ bản linh hoạt hơn so với phân bổ cho nhà nước, nhưng việc phân bổ này lại không đồng nhất ở các nơi khác nhau. Thông thường việc phân bổ này chỉ thực sự mạnh mẽ ở nơi có nhu cầu lớn về nguồn nước cũng như có lịch sử hợp tác lâu đời. Thành quả của phân bổ nguồn nước theo thị trường dựa vào giá trị kinh tế của nước cho các mục địch sử dụng khác nhau, nhưng để hướng tới quyền như một loại hàng hóa trao đổi cho nước, phải có một quả trinhg tái phân bổ giữa các lĩnh vực và có sự bồi thường cho “bên thiệt hại” và tạo các sáng kiến để tăng tính hiệu quả sử dụng nước cho tất cả các lĩnh vực.
Mục tiêu của chính sách về tài nguyên nước và tiêu chuẩn cho phân bổ nguồn nước có thể được đặt ra thông qua các hình thức khác nhau của phân bổ, từ việc phân bổ nguồn nước hoàn toàn khống chế bởi chính phủ hoặc kết hợp giữa thị trường và chính phủ, hoặc chủ yếu bắt nguồn từ nhu cầu thị trường. Do đặc điểm các quốc gia là khác nhau, phân bổ nguồn nước trong một quốc gia có thể được coi là hệ thống duy nhất phù hợp cho tình trạng nguồn nước và nhu cầu nước của quốc gia đó. Các cấu trúc hệ thống phân bổ nguồn nước ảnh hưởng bởi chính sách và khung luật pháp cũng như các cơ sở hạ tầng tài nguyên nước. Cấu trúc phân bổ nguồn nước thực tế là một yêu cầu của hệ thống luật, thông tư, tổ chức, và hệ thống thủy lợi để vận hành được hiệu quả. Các cấu trúc phân bổ như thế này là khá hiếm trên thế giới. Nghiên cứu đã đưa ra một vài cấu trúc, bao gồm chi phí biên, quy hoạch xã hội, phân bổ nguồn nước theo đối tượng sử dụng, và thị trường nước. 
Hiện nay, trong bối cảnh bài toán quy hoạch tài nguyên nước theo Luật tài nguyên nước sửa đổi năm 2012, đối tượng của quy hoạch là nước mặt và nước dưới đất. Tuy nhiên các nghiên cứu trước đây mới chỉ tập trung vào từng đối tượng riêng lẻ là nước mặt hoặc nước dưới đất mà chưa xét tới cả hai nguồn nước và mối quan hệ giữa chúng. Việc phân bổ nguồn nước chỉ đơn thuần tính toán tổng lượng tài nguyên nước, sử dụng để phân bổ cho các đối tượng, mục đích sử dụng khác nhau. Vì vậy cần thiết phải nghiên cứu xác định các thành phần cân bằng nước, xác định lượng nước có thể sử dụng trước khi đem đi phân bổ. Cụ thể phải nghiên cứu tính toán lượng nước lũ không thể trữ được; lượng nước dưới đất có thể khai thác ổn định trên cơ sở lượng nước có thể khai thác từ các tầng chứa nước; lượng nước đảm bảo cho các nhu cầu thiết yếu trước khi đem phân bổ.
Theo cách tiếp cận này thì kết quả tính toán cân bằng nước có xét đến các yếu tố trên làm cơ sở để xác định bộ tiêu chí phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian trên lưu vực sông. Kết quả của nghiên cứu này sẽ góp phần giải quyết bài toán quy hoạch phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông; phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng.
Trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu trước đây và trong giai đoạn hiện nay, tài nguyên nước lưu vực sông Đáy đang suy giảm về cả số lượng và chất lượng. Mực nước sông Hồng vào mùa kiệt trong những năm gần đây giảm sâu dẫn tới việc lấy nước từ sông Hồng vào sông Đáy rất khó khăn. Hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt sông Đáy trở nên trầm trọng, phạm vi có xu hướng mở rộng về phía hạ lưu dẫn tới việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt càng trở nên khó khăn. Mặc dù chất lượng không đảm bảo nhưng người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt, sản xuất và canh tác nông nghiệp. Việc này dẫn tới các hệ lụy về môi trường, xã hội và phát triển kinh tế. Chính vì vậy cần thiết phải có các nghiên cứu đánh giá phân bổ lại nguồn nước nhằm mục đích khai thác, sử dụng hài hòa, bền vững tài nguyên nước trên lưu vực sông Đáy; phục vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

24ht

Mặt khác, mức độ nghiên cứu về tài nguyên nước mặt và nước dưới đất trên lưu vực sông Đáy tương đối đầy đủ và rõ ràng. Các tài liệu về khí tượng thủy văn, tài liệu nghiên cứu về địa chất địa chất thủy văn, quan trắc tài nguyên nước… trên lưu vực sông Đáy đủ tính đại biểu, mật độ nghiên cứu tương đối cao, đảm bảo độ tin cậy để sử dụng trong nghiên cứu này.
Đề tài:”Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xác định các thành phần tham gia vào cần bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho khu vực lưu vực sông” với mục tiêu đưa ra là xác định được các thành phần cân bằng nước và xây dựng bộ tiêu chí để phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian trên lưu vực sông là thực sự cần thiết.