Tổng quan về các đảo và cụm đảo được lựa chọn để điều tra, đánh giá tài nguyên nước

Trên cơ sở định hướng phát triển một số đảo, cụm đảo trọng điểm đã được nêu trong Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020; Các đảo được lựa chọn trong Dự án là:

+ Các đảo có tên trong Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 (các đảo trọng điểm kinh tế, các đảo phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng, các đảo nhỏ có hoặc không có dân sinh sống, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh) nhưng chưa được điều tra chi tiết về tài nguyên nước;

+ Các đảo có tên trong danh mục Đề án nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt và xây dựng hệ thống thủy lợi trên các đảo có đông dân cư tại Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa đáp ứng được lượng nước cho phát triển.

Căn cứ vào các tiêu chí trên, dự án lựa chọn 4 đảo, cụm đảo lớn để điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước. Các đảo tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước bao gồm:

– Cụm đảo Cô Tô và Vĩnh Thực: bao gồm 16 đảo giữ vị trí tiền tiêu hết sức quan trọng tại vùng biển Đông bắc của Tổ quốc. Hiện tại nước ta đã có phân định biên giới trên biển khu vực vịnh Bắc bộ nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một số vấn đề trong việc đánh bắt hải sản tại khu vực gần ranh giới vùng phân chia. Hiện nay công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên đảo Cô Tô đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh triển khai dự án: Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho quần đảo Cô Tô. Dự án do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước nước miền bắc là đơn vị triển khai thực hiện dự án và đã tiến hành điều tra, khảo sát ở mức độ tỷ lệ 1:25.000 do đó trong dự án này không tiến hành điều tra tài nguyên nước trên đảo Cô Tô mà thu thập lại kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước mà Liên đoàn đã thực hiện.

Đối với đảo Vĩnh Thực, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên đảo Vĩnh Thực mới chỉ dừng lại ở việc điều tra tỷ lệ 1/50.000 thuộc Đề án 47, do đó để đánh giá chi tiết tài nguyên nước cần thiết phải điều tra, đánh giá tài nguyên nước ở mức độ tỷ lệ 1:25.000, tuy nhiên cần phải có sự kế thừa kết quả nghiên cứu của Đề án 47.

– Cụm đảo Vân Đồn: có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước. Mặt khác, đây là nơi phát triển kinh tế sôi động và hiện đang được triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch đây sẽ là một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao có giá trị quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó chưa có một công trình nào nghiên cứu tổng hợp tài nguyên nước (nước mưa, nước mặt và nước dưới đất) trên đảo và mức độ điều tra nước dưới đất mới chỉ dừng lại ở công tác thăm dò nước dưới đất thực hiện năm 1970. Chính vì vậy việc điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước trên cụm đảo Vân Đồn là rất cần thiết phục vụ phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh.

– Huyện đảo Bạch Long Vĩ: nằm giữa Vịnh Bắc Bộ nên đảo có một vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, đảo còn nằm trên một trong 8 ngư¬ trường lớn của vịnh, có một vị trí quan trọng trong  chiến lược phát triển kinh tế, an ninh – quốc phòng biển của nước ta ở vịnh Bắc Bộ. Tuy huyện đảo này cũng đã có đầu tư công tác nghiên cứu điều tra tài nguyên nước nhưng chỉ là nghiên cứu tổng hợp hầu hết ở tỷ lệ nhỏ, các số liệu thiếu tính đồng bộ.

– Đảo Hòn Khoai: nằm ở vĩ độ thấp nhất so với phần đất liền của nước ta, là nơi có chế độ thủy triều trên biển khá phức tạp. Vùng biển xung quanh đảo cũng có hệ sinh thái phong phú, có giá trị kinh tế cao. Mặc dù vậy công tác nghiên cứu tài nguyên nước trên đảo mới chỉ là nghiên cứu tổng hợp, mang tính khái quát và chưa có một công trình điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước nào trên đảo phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh