Hưng Yên: Tái sinh nước ngọt bằng công nghệ lưu trữ nước trong tầng chứa nước mặn

Mô hình lưu trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước hay còn gọi là bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất đã được nghiên cứu trên thế giới. Tại Ấn Độ, mô hình này đã phát huy hiệu quả bằng việc sử dụng các lỗ khoan để làm “lối đi” cho nước ngọt vào các tầng chứa nước. Giải pháp này nhằm tận dụng lượng nước dư thừa trong mùa mưa để bổ sung phần thiếu hụt nước về mùa khô.

 Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ với mã số TNMT.2017.02.04 “Nghiên cứu đề xuất quy trình công nghệ tích nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn vùng đồng bằng sông Hồng. Thử nghiệm ở tỉnh Hưng Yên” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì đã xây dựng mô hình thí điểm công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn. Trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc địa chất thủy văn và đặc điểm phân bố nước mặn trong các tầng chứa nước ở vùng đồng bằng sông Hồng, các nhà khoa học đã lựa chọn được vị trí để xây dựng mô hình. Đơn vị doanh nghiệp Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn NAGAOKA đã cung cấp mặt bằng để xây dựng mô hình trong khuôn viên rộng 16.000 m2.

DL55

Sau 6 tháng bổ sung nước vào tầng chứa nước, sử dụng các phương pháp đo địa vật lý để giám sát phạm vi, quy mô thấu kính nước nhạt. Bên cạnh đó, kỹ thuật đồng vị cũng được sử dụng để nghiên cứu con đường di chuyển của nước được bổ sung trong kho lưu trữ nước ngọt. Đó là những cơ sở cho việc xây dựng các phương án khai thác, sử dụng nước dưới đất để đảm bảo bền vững, lâu dài trong tương lai.

Đây là các giải pháp khoa học công nghệ tương đối mới tại Việt Nam, kết quả của những nghiên cứu trong đề tài sẽ là sự khởi đầu cho một giai đoạn ứng dụng vào thực tiễn một cách sâu rộng nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn cho các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới./.

(Mai Phú Lực)