Nghiên cứu về các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất tại Đồng bằng sông Cửu Long

Một trong những trở ngại thiên nhiên chính của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hiện tượng xâm nhập mặn, nó không chỉ ảnh hưởng tới cấp nước sinh hoạt và đời sống cho hàng triệu người dân ven biển mà còn đến sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Cộng với tác động của biến đổi khí hậu – nước biển dân, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp và khó giải quyết hơn.

Những năm 60 của thế kỷ trước, khi tăng công suất khai thác nước dưới đất từ 80.000m3/ng lên 160.000m3/ng ở TP. Hồ Chí Minh thì nước mặn đã xâm nhập vào đến gần 20km, sau đó đã phải chuyển sang khai thác nước mặt. Sau gần 20 năm ngừng khai thác nước dưới đất, ranh giới mặn-nhạt mới chỉ dịch chuyển ra khoảng 2km. Sự xâm nhập mặn khi khai thác nước dưới đất còn xảy ra ở Nghệ An (khu vực núi Quyết), Hải Phòng (khu vực thị xã Kiến An), Quảng Ninh (khu vực Hòn Gai)… nên đã phải hủy bỏ công trình khai thác.
DL20

Xâm nhập mặn gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Đặc biệt, năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua. Ngay từ tháng 2, độ mặn đã duy trì ở mức cao và nghiêm trọng. Trên sông Tiền và sông Hậu, độ mặn là trên 45‰, có thể xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km. Độ mặn sẽ tăng cao, kéo dài đến đầu tháng 5. Nếu không có mưa, tình trạng xâm nhập mặn sẽ kéo dài tới tháng 6, thậm chí qua tháng 7. Theo thông tin của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), đến thời điểm này, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 150.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL, 170.000 ha cây nông nghiệp có khả năng mất trắng.

Trước những hiện tượng đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đang chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, với mã số TNMT.2017.02.07: “Nghiên cứu các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long”. Trên cơ sở nghiên cứu các kết quả nghiên cứu xâm nhập mặn,  xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn trên thế giới và Việt Nam, kết hợp với phân tích đặc điểm tự nhiên, địa chất, địa chất thủy văn, hiện trạng nhiễm mặn các tầng chứa nước và các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn nước dưới đất vùng ĐBSCL, đề tài sẽ phân tích, đánh giá xác định các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất tại khu vực nghiên cứu.

Từ những kết quả nhiên cứu, đề tài sẽ đưa ra các giải pháp khai thác nước dưới đất hợp lý, bền vững nhằm hạn chế hiện tượng tượng xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là những thông tin rất quan trọng trước bối cảnh biến đổi khí hậu – nước biển dâng đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ tại khu vực ven biển./.

(Mai Phú Lực)