Bài toán quy hoạch tuyến tính được xem là một bài toán mang tính ứng dụng cao, nó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội trong đó có thể hiểu đây là bài toán tối ưu hóa một mục tiêu nào đó trong điều kiện ràng buộc bởi các biến số có liên quan.
Thông thường, bài toán quy hoạch tuyến tính được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, ví dụ như xác định số lượng sản xuất theo chủng loại nhất định sao cho không bị động về nguyên vật liệu mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thu được là cao nhất. Việc ứng dụng bài toán quy hoạch tuyến tính trong lĩnh vực tài nguyên nước được xem là hướng tiếp cận mới đối với các công trình nghiên cứu.
Trên cơ sở phân tích các đặc trưng của bài toán quy hoạch tuyến tính, Thạc sĩ Luyện Đức Thuận đã mạnh dạn thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng quy hoạch tuyến tính trong bài toán phân bổ tài nguyên nước theo đơn vị hành chính, thí điểm cho tỉnh Hòa Bình”. Với mục đích của đề tài là xây dựng hàm mục tiêu và các điều kiện ràng buộc của bài toán quy hoạch tuyến tính trong phân bổ tài nguyên nước và tiến hành giải bài toán tối ưu hóa việc sử dụng nước của các ngành để đem lại giá trị kinh tế cao nhất, áp dụng phân bổ nước cho tỉnh Hòa Bình.
Với đề tài này, tác giả đã đánh giá được tiềm năng tài nguyên nước mặt và nước dưới đất của tỉnh Hòa Bình và xác định được nhu cầu sử dụng nước của các ngành qua đó tạo bộ dữ liệu đầu vào cho bài toán phân bổ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, đề tài cũng xây dựng được các yếu tố cấu thành nên một bài toán quy hoạch tuyến tính bao gồm hàm mục tiêu và các phương trình ràng buộc. Với sự trợ giúp của công cụ Solver trong phần mềm Excel, bài toán đã được giải quyết qua đó xácđịnh được lượng nước cần phân bổ cho các ngành trong nội bộ tỉnh Hòa Bình theo đơn vị hành chính.
Tính thực tiễn của đề tài còn thể hiện ở việc nó đã cung cấp cho các nhà quản lý một cái nhìn tổng thể và khoa học về cách thức phân bổ nguồn nước cho các ngành thuộc tỉnh mình nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất./.
(Nhâm Nguyễn – TT DLQH&ĐT TNN)