Thực hiện chỉ thị 200-TTg ngày 29/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ về “Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”, Pha 1 và Pha 2 của đề án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ” đã đạt được những kết quả vô cùng có ý nghĩa trong việc mang đến cho nhân dân và bộ đội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới nước sạch để ăn uống và sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh biên giới.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được ở pha 1 và pha 2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thi công đề án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – Pha 3” để tiếp tục điều tra nguồn nước dưới đất, xác định khu vực và tầng chứa nước có triển vọng để đưa vào khai thác cấp nước ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân và bộ đội đang sinh sống và làm việc ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Mục tiêu của Dự án là điều tra điều kiện địa chất thủy văn nguồn nước dưới đất. Xác định khu vực có triển vọng nhằm tiếp tục đánh giá, thăm dò nước dưới đất phục vụ nhu cầu dân sinh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Dự án đã điều tra, khảo sát, đo đạc, thi công thực địa và tổng hợp, chỉnh lý, xử lý thông tin, số liệu, tài liệu về tài nguyên nước dưới đất tại 30 vùng, từ đó xác định được vùng có triển vọng về nước dưới đất, xây dựng và bàn giao các công trình cấp nước cho chính quyền địa phương, các đơn vị bộ đội và các đồn biên phòng.
Hình 2. Bơm khai thác thử các giếng khoan
Qua quá trình thực hiện, Dự án đã hoàn thành việc thi công 30 lỗ khoan điều tra nguồn nước dưới đất và các dạng công tác kỹ thuật kèm theo tại 30 vùng điều tra. Trong đó, tại 29 vùng đã xác định được vị trí và tầng chứa nước có triển vọng; đã kết cấu và thí nghiệm thành công 29 giếng khoan khai thác và sau đó đã bàn giao cho chính quyền địa phương và các đơn vị bộ đội (các đồn biên phòng) đưa vào khai thác sử dụng với tổng lưu lượng 15.370m3/ngày, tương ứng với khả năng phục vụ cho 256.162 người. Kết quả này đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trước mắt về nước sạch cho nhân dân và bộ đội tại 29 vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc 23 huyện của 08 tỉnh Nam Bộ; làm sáng tỏ đặc điểm địa chất thủy văn của 30 vùng điều tra.
Hình 3. Bàn giao giếng khai thác cho địa phương sử dụng
Tại mỗi vùng điều tra đã phân chia chi tiết ranh giới địa chất, địa tầng địa chất thủy văn theo kết quả nghiên cứu địa chất mới nhất; xác định bề dày và vị trí của các tầng chứa nước lỗ hổng, bề dày của các trầm tích bở rời và các đới phong hóa, nứt nẻ trong đá cứng có triển vọng chứa nước, ranh giới nước nhạt, nước mặn theo diện và theo chiều sâu tại các vùng điều tra, cũng như sự biến đổi đặc điểm thủy hoá của các tầng chứa nước. Thành lập 30 sơ đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:25.000 và các mặt cắt địa chất thủy văn kèm theo của các vùng điều tra, làm cơ sở cho sự đánh giá đúng đắn về đặc điểm địa chất thủy văn và tiềm năng nước dưới đất tại các vùng điều tra này. Đây là nguồn tài liệu vô cùng qúy giá đối với công tác điều tra cơ bản địa chất thủy văn ở vùng Nam Bộ.
Các kết quả tính toán cho thấy trữ lượng khai thác tiềm năng của các lỗ khoan trong các vùng điều tra khá lớn, những phát hiện này là cơ sở quan trọng phục vụ thiết thực cho việc mở rộng quy mô khai thác sử dụng nước dưới đất.
(VPTT)