Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – Pha 4

Nam_Bo_pha_4Nhằm phát huy những kết quả đạt được ở pha 1, pha 2 và pha 3 Đề án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ”, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã xây dựng đề cương chi tiết Dự án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – Pha 4”.

Trên cơ sở rà soát lại toàn bộ các vùng đã điều tra của các pha trước và đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, Liên đoàn đã tiến hành khảo sát sơ bộ, làm việc với chính quyền các địa phương, nắm bắt nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất để có số liệu lập đề cương Dự án.

Diện tích điều tra của dự án là những vùng đã được điều tra của các pha trước cần phải điều tra bổ sung, làm rõ triển vọng khai thác nước dưới đất và các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn chưa được điều tra nguồn nước dưới đất.

Dự án được thực hiện với mục tiêu xác định triển vọng khai thác nước dưới đất tại các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn chưa được điều tra nguồn nước dưới đất. Bổ sung, làm rõ triển vọng khai thác nước dưới đất tại các vùng đã được điều tra nguồn nước dưới đất qua 3 giai đoạn điều tra trước đây (pha 1, pha 2 và pha 3).

Dự án tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc, thi công thực địa và tổng hợp, chỉnh lý, xử lý thông tin, số liệu, tài liệu về tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000; đánh giá đặc điểm, đặc trưng chủ yếu và mức độ chứa nước của các tầng chứa nước, trữ lượng, chất lượng và khả năng khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất.

nam_bo_4

Dự án đã đánh giá triển vọng chứa nước trên diện tích là 2.610 km2, bao gồm một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn về đời sống kinh tế xã hội của 4 tỉnh (Tây Ninh, Bình Phước, Sóc Trăng và  Bạc Liêu); đồng thời xây dựng hồ sơ sản phẩm kết quả điều tra, đánh giá, thành lập bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000; cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất vùng nghiên cứu.

nam_bo_4_1

Đã xác định được tại các xã vùng sâu tỉnh Bình Phước tồn tại 2 tầng chứa nước chính (Bn13 và ps – ms), tỉnh Tây Ninh tồn tại 7 tầng chứa nước chính (qp3, qp2-3, qp1, n22, n21, n13 và ps – ms). Đặc điểm, đặc trưng cơ bản của các tầng chứa nước nêu trên như diện phân bố, bề dày, ranh giới, mức độ chứa nước, chất lượng nước,… tại các xã vùng sâu của tỉnh Bình Phước và Tây Ninh đã được mô tả chi tiết.

Thi công 4 lỗ khoan S417, S418, S419 và S420 có trữ lượng, chất lượng nước đạt yêu cầu. Bàn giao cho UBND xã Bình Thạnh, Phước Chỉ và Đồn biên phòng 843, Đồn biên phòng CKQT Mộc Bài khai thác sử dụng phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng và nhân dân khu vực biên giới Tây Nam.

(VPTT)