Sáng ngày 29/9/2016, tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tổ chức Họp Hội đồng cấp cơ sở thẩm định đề cương chi tiết dự án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với BĐKH khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” do ThS. Nguyễn Chí Nghĩa – Trưởng ban Quan trắc tài nguyên nước – làm chủ nhiệm dự án.
Tham dự cuộc họp có ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Chủ tịch hội đồng; ông Nguyễn Chí Công – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Phó Chủ tịch hội đồng; Ông Đinh Ngọc Chức – Phó Trưởng ban Kế hoạch Tài chính – Thư ký hội đồng; PGS.TS Đoàn Văn Cánh – Hội ĐCTVVN – Uỷ viên phản biện; PGS.TS Nguyễn Văn Lâm – Trường Đại học Mỏ Địa Chất – Uỷ viên phản biện; PGS.TS Ngô Lê Long – Trường Đại học Thuỷ lợi Hà Nội – Uỷ viên phản biện; PGS.TS Nguyễn Văn Đản – Hội ĐCTVVN- Uỷ viên; TS. Nguyễn Lan Châu – Chuyên gia tài nguyên nước – Uỷ viên; PGS.TS Đỗ Văn Bình – Trường Đại học Mỏ địa chất – Uỷ viên; ThS. Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Uỷ viên; ông Bạch Ngọc Quang – Trưởng ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất – Uỷ viên; ông Đỗ Trường Sinh – Trưởng ban Quy hoạch tài nguyên nước – Uỷ viên; cùng toàn thể cán bộ, nhân viên các đơn vị và phòng ban liên quan.
Ông Nguyễn Chí Nghĩa – Chủ nhiệm dự án thay mặt nhóm tác giả trình bày báo cáo đề cương dự án tổng thể “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.
Tại buổi thẩm định PGS.TS Ngô Lê Long đã nhận xét đề cương của dự án đã được chuẩn bị công phu với khối lượng lớn và nhiều dự án thành phần. Tuy nhiên chưa thấy được sự gắn kết, sự tương đồng giữa các hoạt động của dự án với các dự án thành phần, vì vậy nên xây dựng sơ đồ hoá để thấy rõ được sự liên kết giữa các dự án thành phần với với các hoạt động của dự án tổng thể, tránh được sự chồng chéo của các dự án đã được thực hiện trước đó.
PGS.TS Nguyễn Văn Lâm thấy rằng đề cương tổng thể của dự án đã đề cập đến các nội dung và sản phẩm khá đầy đủ, bám sát các mục tiêu và tên dự án. Các sản phẩm của dự án có ý nghĩa thiết thực cho các địa phương trong việc định hướng giải quyết các nguồn nước, nguồn cấp nước cho sinh hoạt của cộng đồng dân cư và phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng khô hạn xâm nhập mặn. Tuy nhiên để dự án hoàn thiện và có giá trị thực tiễn cao nên có sự lồng ghép giữa các dự án thành phần lại với nhau thì hợp lý hơn vì đôi khi tên dự án thành phần này lại là nội dung của dự án thành phần kia. Mặt khác tên một số nhiệm vụ còn có sự trùng lặp và có sự không thống nhất giữa tên của các dự án thành phần với tên và nhiệm vụ của dự án tổng thể.
Tại Hội đồng thẩm định, các thành viên trong hội đồng đã xem xét và thống nhất đề nghị hội đồng thông qua sau khi chỉnh sửa hết các góp ý của hội đồng.
Một số hình ảnh của buổi thẩm định:
(TTDLQH&ĐTTNN)