Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài KHCN “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông. Áp dụng thí điểm tại khu vực Thượng Cát – Hà Nội”

IMG_9811_re

Chiều ngày 22/01/2016, tại TTQH&ĐTTNNQG, Hội đồng KHCN Trung tâm đã tiến hành tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu KHCN cấp cơ sở “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông. Áp dụng thí điểm tại khu vực Thượng Cát – Hà Nội” do ThS. Tống Thanh Tùng, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc làm Chủ nhiệm đề tài.

TS. Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG Chủ tịch Hội đồng. Tham dự Hội đồng có PGS.TS. Nguyễn Văn Đản và TS. Đặng Đình Phúc, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam; thành viên Hội đồng KHCN và đại diện các Ban cùng tham dự.

IMG_9816_re

IMG_9814_re

Đề tài khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông. Áp dụng thí điểm tại khu vực Thượng Cát – Hà Nội” đã được triển khai trong năm 2015, với các mục tiêu: i) Xây dựng được hướng dẫn khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp cho bãi giếng khai thác nước dưới đất ở vùng nước dưới đất có quan hệ thủy lực với nước sông; ii) Khoanh định được hành lang và đề xuất các giải pháp bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông tại khu vực bãi giếng Thượng Cát, thành phố Hà Nội.

Đề tài khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông. Áp dụng thí điểm tại khu vực Thượng Cát – Hà Nội” đã được triển khai trong 01 nămcơ bản đạt được mục tiêu nghiên cứu ban đầu đề ra.

Thứ nhất, kết quả nghiên cứu của đề tài đã hệ thống hóa được tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và trong nước về phương pháp, luận chứng khoa học để xác định hành lang bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông. 

Thứ hai, đề tài đã nghiên cứu các trường hợp điển hình về điều kiện địa chất thủy văn và giếng khai thác tại những khu vực có bãi giếng khai thác đặt ven sông, có quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất. Từ đó có hướng nghiên cứu, đánh giá được mối quan hệ của nước sông với tầng chứa nước trong điều kiện bãi giếng đang khai thác.

Thứ ba, đề tài đưa ra được dự thảo hướng dẫn phương pháp xác định hành lang bảo vệ miền cấp cho bãi giếng khai thác nước ở vùng nước dưới đất có quan hệ thủy lực với nước sông.

Thứ tư, bãi giếng khai thác nước dưới đất Thượng Cát khai thác nước trong tầng chứa nước Pleistocen (qp), đây là tầng chứa nước lỗ hổng trong các thành tạo bở rời, điều kiện địa chất thủy văn đồng nhất. Nghiên cứu, phân tích cấu trúc địa chất thủy văn tại khu vực này cùng với những nghiên cứu trước đây đã xác định được mối quan hệ giữa nước mặt sông Hồng và nước dưới đất trong tầng chứa nước đang khai thác. Thành phần tham gia vào trữ lượng khai thác nước tại khu vực Thượng Cát chủ yếu đến từ nguồn nước mặt sông Hồng, với trữ lượng bổ cập từ nước sông cho tầng chứa nước mỗi ngày là 23.441 m3/ngày. Áp dụng mô hình số dự báo mực nước của bãi giếng Thượng Cát đến cuối thời kỳ khai thác, xác định được hướng vận động của dòng ngầm cũng như diện tích của đới thu nước từ đó khoanh định được đới bảo vệ cho bãi giếng Thượng Cát bao gồm 3 đới (đới I, đới II và đới III), trong đó đới III bao gồm diện tích của miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông Hồng.

Thứ năm, kết quả của đề tài sẽ là cơ sở khoa học để các cơ quan quản lý có các biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng cũng như trữ lượng nước dưới đất. Bảo vệ được miền cấp cho nước dưới đất tại những khu vực bố trí hành lang giếng khai thác nước ven sông, đảm bảo cho việc khai thác nước bền vững, tránh được những nguy cơ suy giảm về trữ lượng và chất lượng.

IMG_9800_res

(Hồng Nhung – VP NAWAPI 
Nguồn: Chủ nhiệm Đề tài)