Tiếp theo Hội thảo đầu tiên được tổ chức thành công ngày 9/7/2010, vừa qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QH & ĐTTNN) phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên Bang Đức (BGR) tổ chức Hội thảo lần 2 về “ Quản lý tổng hợp tài nguyên nước”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “ Tăng cường năng lực quy họạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam” (IGPVN) hợp tác giữa Trung tâm QHĐTTNN và BGR nhằm nâng cao nhận thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước ( QLTHTNN) giữa các cơ quan ban ngành liên quan; trao đổi chia xẻ kinh nghiệm để thiết lập hệ thống QLTNN thống nhất trong toàn quốc.
Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu, đại diện Bộ NN& PTNT, Bộ TN & MT, Trung tâm QHĐTTNN, cố vấn Dự án IGPVN, Viện Quy hoạch Thủy Lợi, Viện Khoa học Địa chất, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Ủy ban Sông Mê Công VN, các Liên đoàn QH & ĐT TNN miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Sở TN & MT các tỉnh Hà Nam, Nam Định. Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Hà Nội…
Tham luận của ông Jelle Van Gijn, Cố vấn vệ sinh và nước đô thị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề cập đến sự kết hợp 2 lĩnh vực chính là quản lý nước vì an ninh nước và sự thích hợp với Việt Nam. Ông khẳng định: Việc sử dụng quá mức TNN làm cho nước đang ở dạng nước sạch đã không thể sử dụng được ở phía cuối dòng do bị nhiễm bẩn. Hiện toàn cầu đang quan tâm tới vấn đề an ninh nước và Việt Nam không phải là ngoại lệ, bởi một số lưu vực đang chịu “sức ép”. Vì thế, cần thiết phải cải thiện việc quản lý nước ngầm như: Giảm khai thác nước, bảo vệ chất luợng nước, gia tăng sự tích trữ nước, cải thiện tầng đệm nước, tái sử dụng nước…. Chiến lược của ADB về Chương trình Nước ở Việt Nam là trợ giúp các công ty cấp nước có thể tiếp cận vốn đầu tư từ khu vực KT tư nhân; trợ giúp chính quyền địa phương trong xử lý nước thải để bảo vệ nguồn nuớc; các chương trình cấp tỉnh gồm QLTHTNN…
Tham luận Quản lý tổng hợp TNN lưu vực sông Mê Công của bà Nguyễn Hồng Phượng (Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam) nêu lên hiện trạng quản lý tổng hợp TNN lưu vực sông Mê Công; các thách thức trong phát triển và quản lý TNN trong lưu vực; phát triển lưu vực dựa trên QLTHTNN trong lưu vực này.Về các thách thức đối với hạ lưu sông Mê Công, bà Hồng cho rằng: Đó là an ninh lương thực, phát triển thủy điện ồ ạt, giải quyết mối liên hệ giữa phát triển TNN và việc xóa đói giảm nghèo, đánh bắt thuỷ sản chiếm 1,9 triệu tấn/ năm; tại đồng bằng sông Cửu Long diện tích bị ngập úng chiếm 1,2-1,9 triệu ha, thời gian ngập từ 3-5 tháng, nhiều năm có lũ lớn, diện tích bị xâm nhập mặn là 1,4-1,6 triệu ha, thời gian từ 1-3 tháng, đất bị chua phèn từ 1,4-1,6 triệu ha, thời gian 3-6 tháng, nhất là Đồng tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau…Theo bà Phượng, khó khăn trong QLTNN lưu vực sông Mê Công còn do sự phân tách, thiếu tính điều phối liên ngành, năng lực về tổ chức, thể chế thiếu đồng bộ; thiếu năng lực kỹ thuật; nhận thức và kiến thức về QLTNN rất hạn chế.
Hội thảo cũng đã nghe ông Frank Wagner (BGR) trình bày về những kết quả từ bảo vệ nước ngầm tới QLTH TNN tại Nam Định; Ông Martin Junker đề cập Dự thảo về Tiêu chuẩn quan trắc và đánh giá TNN ngầm tại VN…
(Theo Monre.gov.vn)