Dự án “Quy hoạch quản lý sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”

Anh_Nhue_DayNăm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện dự án “Quy hoạch quản lý sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, sau 4 năm thực hiện (từ 2011 – 2014) trên cơ sở nội dung đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, Trung tâm đã tổ chức thực hiện hoàn thành Dự án.

Một số kết quả chính được tóm tắt như sau:

I. Phạm vi thực hiện

Phạm vi thực hiện dự án là toàn bộ diện tích lưu vực sông Nhuệ – Đáy khoảng 8.000 km2, thuộc 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, và Nam Định.

II. Nội dung chính quy hoạch

1. Dự án được thực hiện với hai nội dung chính là phân bổ nguồn nước mặt và bảo vệ tài nguyên nước mặt. Việc lập quy hoạch được thực hiện trên toàn lưu vực sông Nhuệ – Đáy, với cách tiếp cận vấn đề theo từng nguồn nước, nội dung quy hoạch được thực hiện cụ thể để giải quyết các vấn đề trên từng sông, đoạn sông, cụ thể như sau:

a) Nội dung phân bổ nguồn nước mặt được thực hiện với các sông: Đáy, Nhuệ, Tích, Thanh Hà, Hoàng Long, Châu Giang;

b) Nội dung bảo vệ tài nguyên nước mặt được thực hiện với các sông: Nhuệ, Đáy, Hoàng Long, Châu Giang, Sắt.

2. Chức năng nguồn nước được quy định trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng đã được bổ sung kịp thời trong quá trình thực hiện Dự án, việc xác định chức năng nguồn nước được thực hiện cụ thể trên từng đoạn sông dựa vào đặc điểm tự nhiên, đặc điểm nguồn nước, đặc điểm khai thác, sử dụng nước và sử dụng dòng sông. Chức năng nguồn nước được xác định cụ thể cho 23 đoạn sông trong kỳ quy hoạch.

3. Nguồn nước mặt các sông thực hiện nội dung phân bổ nguồn nước đang được khai thác, sử dụng chủ yếu cho các mục đích sử dụng nước có tiêu hao như sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, du lịch; sử dụng nước không tiêu hao chỉ có giao thông thủy trên một số sông ở hạ lưu như sông Đáy, Hoàng Long. Do đó việc phân bổ nguồn nước mặt đã thực hiện cho từng nguồn nước với các công việc như sau:

a) Đã xác định tỷ lệ và lượng nước phân bổ cho từng đối tượng sử dụng nước có tiêu hao trong kỳ quy hoạch ứng với tần suất nước đến 50%, 85%, 90%;

b) Đề xuất tỷ lệ và lượng nước cắt giảm cho các đối tượng trong trường hợp khan hiếm nước. Cụ thể, trong trường hợp khan hiếm nước thì lượng nước phân bổ ứng với tần suất nước đến 50% cho sản xuất nông nghiệp chỉ còn 85%, thủy sản là 95% nhu cầu sử dụng nước trong điều kiện bình thường;

c) Xác định ngưỡng giới hạn khai thác, sử dụng nước bảo đảm không vượt quá 20% lượng nước đến ứng với các tần suất 50%, 85%, 90% và dòng chảy tối thiểu để duy trì dòng sông được tính bằng giá trị dòng chảy tháng kiệt nhất ứng với tần suất 90%, cụ thể như tại Ba Thá Qtt = 2,5 m3/s, tại Gián Khẩu Qtt = 4,4 m3/s;

d) Đề xuất mạng giám sát khai thác, sử dụng nước trên từng nguồn nước với 19 điểm quan trắc phù hợp với quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên và môi trường trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy.

4. Bảo vệ tài nguyên nước mặt được thực hiện đồng thời với việc phân bổ nguồn nước mặt để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt cho mục đích sử dụng. Các vấn đề trong bảo vệ tài nguyên nước mặt được được tập trung giải quyết trên các sông Nhuệ, Đáy, Hoàng Long, Châu Giang và Sắt. Nội dung chính để bảo vệ nguồn nước mặt đã thực hiện trong Dự án như sau:

a) Đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên 36 đoạn sông thông qua chỉ số chất lượng nước WQI và phân vùng mục tiêu chất lượng nước theo mục đích sử dụng nước trong kỳ quy hoạch đối với 5 nguồn nước;

b) Đánh giá chất lượng nước theo 3 kịch bản lượng nước thải được xử lý 60%, 80%, 100% đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào nguồn nước và đề xuất vùng tiếp nhận nước thải tương ứng với chất lượng nước thải trước khi xả vào nguồn nước;

c) Mạng giám sát chất lượng nước, xả nước thải vào nguồn nước được xác định với 67 điểm quan trắc, phù hợp mạng quan trắc chất lượng nước và mạng quan trắc tài nguyên môi trường trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy.

5. Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy, Dự án đã xuất 6 dự án ưu tiên thực hiện trong kỳ quy hoạch với tổng kinh phí đầu tư khoảng 205 tỷ đồng.

(Thanh Loan – VP NAWAPI
Nguồn: Minh Huy – Ban QHTNN)