Hội thảo lập kế hoạch hoạt động Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”

IMG_6208_re

Trong hai ngày 01, 02 tháng 6 năm 2015, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học địa chất và Tài nguyên liên bang (BGR) của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo lập kế hoạch hoạt động Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án được khởi động từ tháng 01 năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6 năm 2017.

Tham dự Hội thảo, về phía Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc; TS. Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc; Lãnh đạo một số Ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Trung tâm. Về phía Viện Khoa học địa chất và Tài nguyên liên bang, Cộng hòa Liên bang Đức có bà Dorit Lehrack, Cố vấn trưởng Dự án; bà Christiane Molt, Ban Hợp tác quốc tế khu vực Châu Á và Châu Đại Dương cùng các chuyên gia Địa chất thủy văn của BGR. Đồng tham dự Hội thảo còn có ông Phan Văn Minh, Phó Giám đốc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cùng các cán bộ nguyên là cán bộ kỹ thuật của Dự án IGPVN.

IMG_6233_re

Tại Hội thảo, hai bên đã cùng trao đổi về hiện trạng và diễn tiến của Dự án từ cuộc họp trước, đồng thời xác định các điểm chung, những khác biệt về hai đề xuất Dự án từ phía Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam; xác định các biện pháp để giải quyết những khác biệt đó.

IMG_6239_re

Hội thảo đã nhận được sự thảo luận sôi nổi từ hai phía. Các nhóm đã tập trung thảo luận về 02 nội dung chính: Hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực và Nâng cao nhận thức, mở rộng mạng lưới. Đồng thời, hai bên đã đưa ra thống nhất chung về các điều kiện cần thiết để thực hiện Dự án như: trang thiết bị, nhân sự, các nguồn lực,…

IMG_6244_re

Trong khuôn khổ thực hiện, Dự án sẽ tập trung vào 03 hoạt động chính sau:

Thứ nhất, tư vấn để xây dựng các điều kiện khung. Tư vấn soạn thảo các sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và nâng lên cho phù hợp với quy chuẩn quốc tế, hỗ trợ việc áp dụng thực hiện.

IMG_6212_re

Thứ hai, hỗ trợ kỹ thuật. Hỗ trợ khảo sát các thông số quản lý nước ngầm quan trọng, xây dựng mô hình 2D giả lập để đánh giá rủi ro về khả năng nhiễm mặn nguồn nước ngầm, nâng cao năng lực cán bộ chuyên viên của NAWAPI và các Sở Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ, quản lý và kiểm soát nước ngầm, quản lý dữ liệu, lập mô hình nước ngầm, đào tạo tại chỗ.

IMG_6215_re

Thứ ba, nâng cao nhận thức môi trường. Thực hiện các chiến dịch giáo dục bảo vệ môi trường như: soạn thảo tài liệu đào tạo và tài liệu truyền thông về bảo vệ tài nguyên nước, thực hiện các chiến dịch, tư vấn về quy trình quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp vùng ven biển, hợp tác với các bên liên quan, xây dựng các mạng lưới chuyên ngành.

IMG_6205_re

Thông qua đó, Dự án sẽ thúc đẩy sự liên kết giữa các cơ quan quản lý liên quan ở cấp Trung ương và địa phương; thúc đẩy quy trình Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM) ở cấp tỉnh và giữa các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long với nhau trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước ngầm, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp để bảo vệ nước ngầm.

(Hồng Nhung – NAWAPI)