Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị xử lý nước nhiễm asen bằng công nghệ nano phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn.
Màng lọc nano đã được ứng dụng phổ biến trên thế giới để xử lý muối hòa tan và các chất ô nhiễm có kích thước nhỏ, làm mềm nước và xử lý nước thải. Màng lọc giữ vai trò như rào cản, ngăn chặn các hạt và vi sinh vật lớn hơn lỗ của màng lọc và loại bỏ có chọn lọc các chất ô nhiễm. Đất sét attapulgite và zeolit trong tự nhiên còn được dùng trong các thiết bị lọc nano. Chúng có các lỗ kích thước nano mét (1/1 tỷ mét) và được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới.
Một nghiên cứu sử dụng màng lọc đất sét attapulgite để lọc nước thải của một nhà máy ở Algeria cho thấy, loại màng này có thể lọc các chất hữu cơ trong nước thải để sản xuất nước uống an toàn. Ngoài ra, zeolit cũng được dùng để tách các chất hữu cơ độc hại từ nước và khử các ion kim loại nặng.
Thiết bị lọc nước của các nhà khoa học Việt Nam có đặc điểm gọn nhẹ dễ di chuyển, không cần sử dụng điện, hoá chất và không có nước thải. Nguồn nước đầu vào cũng đa dạng (nước sông, hồ, giếng đào, nước lũ), tốc độ lọc tối đa 80 lít/giờ hoặc 120 lít/giờ, nước sau lọc có hàm lượng asen nhỏ hơn 0,01 mg/l, đạt tiêu chuẩn chất lượng nước uống theo Quy chuẩn Việt Nam 01: 2009/BYT. Thiết bị của Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam có giá chỉ bằng 50 – 70% sản phẩm cùng loại của Nhật Bản, Hàn Quốc,…
(Theo monre.gov.vn)