Vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cực nam chiếm 13% diện tích và hơn 19% dân số cả nước. Phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam giáp Biển Đông.Về phía tây, Đồng bằng sông Cửu Long được giới hạn bởi sông Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế. Giới hạn đầu nguồn bởi các dòng kênh nối ngang tại 2 huyện thị đầu nguồn Tân Châu và An Phú của tỉnh An Giang. Về phía đông và đông bắc, Đồng bằng sông Cửu Long được giới hạn bởi hàng loạt các dòng sông kênh rạch liên thông với nhau, chảy dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia, (giới hạn vùng đất trũng khác ngập nước theo mùa là vùng Đồng Tháp Mười). Giới hạn phía đông bắc và phía đông của Đồng bằng sông Cửu Long là các dòng sông kênh rạch.
Nguyên nhân gây hạ thấp mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long
Những kết quả nghiên cứu và theo dõi diễn biến tiêu cực của phễu hạ thấp mực nước khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy sự khai thác quá mức, tập trung ở các khu vực trung tâm các tỉnh, thành phố đã làm hạ thấp mực nước trên diện rộng. Đây là nguyên nhân gây suy thoái nguồn dẫn đến giảm hiệu suất và lưu lượng khai thác, tăng diện tích phễu hạ thấp mực nước. Những động thái và cảnh báo này hết sức quan trọng cần được theo dõi để điều chỉnh chế độ, vị trí khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn nước.
Phễu hạ thấp mực nước được mở rộng không những theo chiều ngang (diện tích) mà cả theo chiều sâu chủ yếu do sự gia tăng lưu lượng khai thác. Sự biến đổi mực nước còn diễn ra rất khác nhau ở các bãi giếng khác nhau, một mặt phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, điều kiện hình thành trữ lượng nước ngầm, mặt khác phụ thuộc vào chế độ khai thác của mỗi bãi giếng.
Phễu hạ thấp mực nước dưới đất phát triển chủ yếu theo chiều sâu tức là có xu thế làm rỗng tầng chứa nước trong những năm có chế độ khí tượng thuỷ văn ổn định bình thường. Trong những điều kiện thời tiết khô hạn và sự gia tăng liên tục lượng khai thác thì quy luật trên sẽ bị phá vỡ, khi đó phễu hạ thấp không chỉ phát triển theo chiều sâu mà còn phát triển cả chiều rộng.
Khả năng gây sụt lún nền đất do hạ thấp mực nước:
Sự suy giảm mực nước tại trung tâm các bãi giếng khai thác là đáng báo động vì sự suy giảm này là liên tục. Đặc biệt là các bãi giếng hầu hết đều có mực nước của tầng chứa nước chính giảm đều nhau và gần như có chiều sâu như nhau.
Sự gia tăng quá trình khai thác nước sẽ làm cho mực nước bị hạ thấp từ đó làm giảm áp lực lỗ rỗng của đất đá làm gia tăng quá trình cố kết của đất dẫn đến nền đất bị lún. Những khu vực phân bố đất yếu sẽ bị lún nhiều hơn các khu vực phân bố lớp sét cứng. Các đồ thị tương quan giữa hạ thấp mực nước tại các lỗ khoan quan trắc trong khu vực điều tra khảo sát và tính toán hệ số tương quan R2. Những tính toán cho ta những nhận định ban đầu về mối quan hệ giữa hiện tượng lún nền đất và việc gia tăng khai thác như sau:
Khu vực có hệ số tương quan R2 lớn, thể hiện mối quan hệ chặt giữa độ lún và độ hạ thấp mực nước là những khu vực nhạy cảm với việc gia tăng khai thác nước. Khi tăng lưu lượng khai thác, làm cho mực nước tại các tầng chứa nước giảm và gây sụt lún nền đất.