Thiếu quy hoạch bảo vệ nguồn nước trong bối cảnh tốc độ phát triển đô thị phát triển gia tăng chóng mặt đã khiến nguồn nước ngầm ở nhiều nơi trong cả nước trong đó có Quảng Ninh đang “chết” dần vì ô nhiễm, cạn kiệt. Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước dưới đất sẽ là “phao cứu sinh” cho nguồn nước Quảng Ninh đang được các chuyên gia Liên đoàn Quy hoạch và điều tra Tài nguyên nước miền Bắc nghiên cứu để triển khai thực hiện trong thời gian tới đây.
Nước ngầm Quảng Ninh ô nhiễm: SOS!
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, trữ lượng nước ngầm trên địa bàn Quảng Ninh tương đối dồi dào, khoảng 60.000m3/ngày/đêm. Tuy nhiên, chỉ có các đô thị miền Tây như Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả là có khả năng khai thác nước ngầm; các đô thị khác lượng nước ngầm rất nhỏ hoặc bị nhiễm mặn. Ngay tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, nơi trữ lượng nước ngầm được đánh giá là dồi dào nhất, công suất khai thác cũng đã giảm dần trong những năm qua. Tổng công suất khai thác nước ngầm khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông chỉ đạt 7.000 đến 10.000m3/ngày/ đêm. Thậm chí nhiều nguồn nước đã cạn kiệt hoặc đang bị ô nhiễm bởi sự xâm lấn quá nhanh của đô thị. Nhiều giếng khoan đang bị nhiễm mặn nặng nề do tốc độ khai thác quá nhanh trên cùng một địa tầng như khu vực phường Cẩm Đông, Cẩm Tây (Cẩm Phả); Hiệp Hoà (Yên Hưng). Một thực trạng đáng báo động hiện nay việc khoan giếng đã bị lạm dụng quá mức. Vì giá thành rẻ, nhiều người khoan giếng ở khắp nơi, lấy nước vô tội vạ; nước không chỉ dùng cho sinh hoạt mà còn dùng cho dịch vụ rửa xe, tưới cây, nuôi trồng thuỷ sản…Trong khi toàn tỉnh mới có 2 đơn vị là Công ty cổ phần Thanh Thuỷ và Công ty TNHH Địa kỹ thuật Việt Cường được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Đứng trước thực trạng đó, các ngành chức năng trên địa bàn đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và điều tra Tài nguyên nước miền Bắc làm quy hoạch đánh giá trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước và có các phương án bảo vệ để cứu nguồn nước ngầm đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt trong tương lai của người dân cũng như phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Làm đúng quy hoạch – giải pháp hữu hiệu
Theo các chuyên gia, bảo vệ nước dưới đất phải được thực hiện ngay từ khâu lập các quy hoạch phát triển và trong quá trình nghiên cứu, lập dự án đầu tư có liên quan đến khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất có ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất. Cùng với đó, bảo vệ nước dưới đất phải lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với việc khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đối với các tầng chứa nước quan trọng và tại các khu vực nhạy cảm…
Trên cơ sở đó, các phương án bảo vệ trữ lượng nước dưới đất đã được đề xuất cụ thể dựa trên việc phân vùng nước mực nước lớn nhất có thể khai thác. Đó là các vùng có thể khai thác đến chiều sâu cách mặt đất 20m, 30m, 40m, 50m. Từ đó mới đưa ra các mức cần được bảo vệ cao, bảo vệ trung bình và bảo vệ thấp. Cùng với các phương án cụ thể để bảo vệ nguồn nước, nhiều giải pháp để thực hiện quy hoạch tài nguyên nước cũng được đề xuất một cách cụ thể. Đó là giải pháp về quản lý; giải pháp bảo vệ, cải tạo, phục hồi tài nguyên nước; giải pháp đầu tư, xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước…
Trong giai đoạn 2013 – 2015, các chuyên gia cũng đề xuất một số dự án ưu tiên để thực hiện việc quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước dưới đất có hiệu quả như: dự án tuyên truyền, cập nhật pháp luật về tài nguyên nước; dự án sơ bộ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Quảng Ninh; xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước; điều tra thống kê và lập danh mục các giếng khoan phải xử lý trám lấp, lập kế hoạch xử lý trám lấp, trám lấp một số giếng ở khu vực xung yếu – phòng tránh nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất trên địa bàn…
Theo monre.gov.vn