Vai trò quan trọng của nước ngầm ở Trung Đông

Khi các con sông khô cạn và lượng mưa giảm, nước dưới lòng đất trở nên quan trọng hơn bao giờ hết tại khu vực chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu như Trung Đông. Tuy nhiên, quản lý nước ngầm là nhiệm vụ phức tạp và thậm chí không ai biết chính xác lượng nước này.

Là nước ngọt được tìm thấy trong các tầng chứa dưới lòng đất và chủ yếu được tiếp cận thông qua giếng khoan, nước ngầm luôn đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia khô cằn tại Trung Đông. Đây chính là nhân tố vô hình góp phần vào mùa vụ lúa mì bội thu năm nay tại Iraq, một trong những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và hạn hán trên thế giới. Nước ngầm còn giúp tăng số lượng ốc đảo chà là ở Tunisia, đồng thời duy trì nền nông nghiệp của Yemen bất chấp chiến tranh và đảm bảo các thành phố ven biển náo nhiệt của Libya đều được cung cấp nước.

Do nằm dưới lòng đất, nước ngầm không bị ảnh hưởng bởi hạn hán và nắng nóng. Đây là nguồn cung nước sạch chính cho ít nhất 10 quốc gia Arab, theo báo cáo năm 2020 của Ủy ban Kinh tế Xã hội vùng Tây Á (ESCWA) thuộc Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, khi những quốc gia này nhận ít nước mưa hơn do tác động của biến đổi khí hậu và những mùa hè cực nóng làm khô cạn sông/hồ, nước ngầm càng trở nên quan trọng. Một số nguồn nước ngầm thường xuyên được phục hồi nhờ mưa. Nhưng ngay cả khi nước ngầm có thể tái tạo, người dân cần phải duy trì sự cân bằng trong việc sử dụng.

Khó đo trữ lượng

Các tổ chức như ESCWA cảnh báo rằng trạng thái cân bằng trên có thể không được kéo dài tại Trung Đông. Dù vậy, cũng rất khó đánh giá được mức độ mất cân bằng hoặc xác định cách quản lý nước ngầm, mà nguyên nhân một phần là vì không dễ để đo mực nước ngầm. Đơn cử như ở Yemen, đất nước chìm trong nội chiến suốt gần 1 thập niên qua, việc đo trữ lượng nước ngầm là cực kỳ gian nan.

Một trong những giải pháp đo nước ngầm là sử dụng các vệ tinh GRACE được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên không gian lần đầu hồi năm 2002. Chùm vệ tinh này đo các chuyển động của nước trên thế giới (gồm tình trạng băng tan, mực nước biển dâng…) bằng cách nghiên cứu trọng lực của Trái đất. Bất kể khi nào khối lượng thay đổi cũng đều ảnh hưởng đến trọng lực Trái đất đôi chút. Khi lượng nước ngầm ít hơn, khối lượng cũng sẽ giảm đi, lúc đó các vệ tinh sẽ gửi thông tin này về Trái đất. Dù vậy, các vệ tinh GRACE có hạn chế là không cung cấp dữ liệu cho việc quản lý nước ở địa phương.

Người dân Yemen lấy nước tại một giếng khoan. Ảnh: Al Jazeera

Để giải bài toán trên, các chuyên gia về nước đã tính tới phương án khoan giếng quan trắc. Phương án này cần được cấp vốn, xây dựng và thường xuyên giám sát bởi các chuyên gia, do vậy đây là lựa chọn không khả thi tại một số vùng.

Nguy cơ cạn kiệt

Thông tin gần đây của vệ tinh GRACE chỉ ra nước ngầm ở Trung Đông bị hao hụt nghiêm trọng trong thập niên qua. ESCWA thì phát hiện nhiều tầng chứa nước đang bị khai thác với tốc độ nhanh hơn tốc độ tái lập của nước ngầm.

Bất chấp những cảnh báo trên, sự thật là chẳng ai biết có hay không hoặc khi nào Trung Đông cạn nước ngầm. Theo Youssef Brouziyne, đại diện phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Viện Quản lý nước quốc tế (trụ sở tại Sri Lanka), nước ngầm liên quan tới một hệ thống rất phức tạp vốn tương tác với các hệ thống tự nhiên khác. Các hệ thống lại dính dáng tới nhiều con sông hoặc vùng ngập nước, hệ sinh thái, lượng mưa, bờ biển cũng như những sức ép từ độ mặn và ô nhiễm.

Những quốc gia như Saudi Arabia nắm rõ mực nước ngầm. Vào năm 2018, nước này đã tạm ngừng chương trình nông nghiệp mở rộng vốn được khởi xướng hồi thập niên 1970. Saudi Arabia đã dựa vào nước ngầm để trồng lúa mì. Việc chấm dứt chương trình cho thấy Saudi Arabia nhận ra họ đang hút cạn nước ngầm của mình.

Cuộc khủng hoảng nước chưa từng có

Báo cáo công bố ngày 16-8 của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cho biết hiện có 1/4 dân số thế giới đang đối mặt với “tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao”, do nhu cầu tăng cao và khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Theo WRI, “tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao” nghĩa là các quốc gia đang sử dụng gần như toàn bộ lượng nước họ có, ít nhất là 80% nguồn cung cấp nước. Cụ thể có 25 quốc gia, chiếm 25% trong số khoảng 8 tỉ dân trên toàn cầu, chịu áp lực về nước cực kỳ cao mỗi năm. Trong đó, Bahrain, CH Síp, Kuwait, Lebanon và Oman là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả một đợt hạn hán ngắn hạn cũng có thể khiến những quốc gia này có nguy cơ cạn kiệt nước. Dự báo đến năm 2050, nhu cầu nước trên thế giới tăng 20-25%. Khi đó, 31% GDP toàn cầu, tương đương 70.000 tỉ USD, có nguy cơ bốc hơi do căng thẳng về nước, tăng so với 24% hồi năm 2010.

Nguồn tin: baocantho.com.vn