Trung Quốc cân nhắc các siêu dự án nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô mới với kỳ vọng điều hướng được nguồn nước quý giá đi khắp quốc gia và giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Vào cuối tháng 5, các quan chức Trung Quốc công khai kế hoạch xây dựng một “mạng lưới nước” quốc gia với các kênh đào, hồ chứa và cơ sở lưu trữ mới nhằm đẩy mạnh tưới tiêu, giảm nguy cơ hạn hán, lũ lụt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Li Guoying cho biết kế hoạch sẽ giúp đến năm 2035 “khai thông các mạch lớn” của hệ thống sông ngòi, tăng cường năng lực của Trung Quốc trong cân bằng phân phối nguồn cung nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng biện pháp này không chỉ đắt đỏ, gây gián đoạn về môi trường mà còn khiến các khu vực ở phía Nam nước này yếu thế hơn với nguồn cung nước và cần cơ sở hạ tầng bổ sung để xử lý.

Giáo sư Mark Wang tại Đại học Melbourne (Australia) đánh giá: “Đến nay điều họ làm là sử dụng giải pháp kỹ thuật để cung cấp nước và sửa đổi vấn đề về nước. Nếu Trung Quốc có thể giảm sử dụng nước và tăng hiệu quả, nước này sẽ không cần các dự án siêu dẫn dòng”.

Các tòa nhà cao tầng phản chiếu trên bề mặt sông Jialing, một nhánh của sông Dương Tử, tại Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin mặc dù hạn hán năm nay được dự đoán không nghiêm trọng như năm 2022 nhưng các cơ quan dự báo thời tiết cảnh báo rằng khu vực Trung và Tây Nam Trung Quốc có thể phải hứng chịu tình trạng này.

Nguồn nước bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới và việc phân phối lại không đồng đều. Trung Quốc dựa nhiều vào các cơ sở hạ tầng quy mô lớn chuyển nước từ khu vực phía Nam xuống phía Bắc. Bắc Kinh đang tìm giải pháp kỹ thuật để xử lý vấn đề cung cấp về dài hạn.

Các chính quyền địa phương đã khuyến khích giảm tiêu thụ nước, nâng cấp tái chế nước thải và xử lý ô nhiễm. Ngoài ra, trong 5 năm qua Trung Quốc đã bắt tay vào hơn 100 dự án dẫn dòng.

Một phần của dự án mới liên quan đến mở rộng Dự án dẫn dòng nước Bắc Nam (SNWDP). Đây là dự án tham vọng chuyển hướng nước sông Dương Tử tới lưu vực sông Hoàng Hà ở phía Bắc.

Chính phủ Trung Quốc đánh giá dự án này đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa nguồn cung nước  và đã chuyển hướng trên 60 tỷ mét khối nước. Tuy nhiên, hướng nước di chuyển chỉ theo một chiều nên không hỗ trợ được nhiều trong hạn hán năm 2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc đang chỉ dịch chuyển lượng thiếu hụt khi dựa vào dự án bổ sung quy mô lớn. Giáo sư Mark Wang nhận định những siêu dự án như SNWDP và Đập Tam Hiệp đã kích hoạt “chuỗi phản ứng dây chuyền” các hậu quả không được dự đoán trước và đòi hỏi dự án mới hàng tỷ nhân dân tệ để sửa chữa. Một ví dụ là việc điều hướng nước từ phía Bắc qua hồ chứa Danjiangkou đã giảm nước hạ nguồn tại sông Han, buộc giới chức trách đề xuất một dự án 60 tỷ nhân dân tệ khác để kết nối Danjiangkou với đập Tam Hiệp.

Giáo sư Mark Wang cho rằng các biện pháp thay thế như tái chế nước thải, khử mặn hoặc giảm nhu cầu sử dụng nước có thể hiệu quả hơn. Ông nhận định với 60% nguồn cung nước tại Trung Quốc được sử dụng cho nông nghiệp, có thể thay đổi loại cây trồng hoặc dùng phương pháp tưới tiêu thay thế để tăng hiệu quả sử dụng nước.

Nguồn tin: TTXVN