Ý nghĩa lịch sử ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam 20/10

hai-ba-trungThế giới đàn ông luôn thắc mắc tại sao người phụ nữ lại có nhiều ngày kỷ niệm trong 1 năm mà sao họ lại không có ngày kỷ niệm như người phụ nữ. Nhân dịp kỷ niệm ngày 20/10 chúng ta cùng nhìn lại lịch sử 20/10 để thấy được ý nghĩa và vai trò lớn lao của người phụ nữ đảm đang.

83 năm trước, vào ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/10 hàng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là Ngày Phụ nữ Việt Nam.

Từ khi ra đời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ theo đường lối của Đảng. Đảng chỉ rõ: “Nếu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà chưa giải phóng phụ nữ thì cách mạng mới chỉ là một nửa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Phụ nữ đã là một phần không thể thiếu góp vào thành công của cách mạng Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Như chúng ta đã biết, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy phụ nữ giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, họ là những người gìn giữ giống nòi và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ còn là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Trong dịp kỷ niệm ngày 20/10 năm nay chúng ta hãy cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam bằng những tấm gương tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử để rồi mỗi chúng ta dù ở cương vị nào cũng trân trọng và tự hào, phấn đấu vươn lên xứng đáng với truyền thống vẻ vang ấy.

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bà Nguyễn Thị Định, Chị Út Tịch,…

Trong cuộc sống, họ là những chiến sĩ, nghệ sĩ bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ không những là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các nhà văn nhà thơ, mà chính họ đã khẳng định tài năng, trí tuệ của mình trên văn đàn không kém gì các đấng mày râu. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ: Bà Điềm Bích đời nhà Trần, Bà Nguyễn Thị Lộ đời nhà Lê đã từng được nhà Vua phong là Lễ nghi học sỹ, Bà Ngô Chi Lan thời vua Lê Thánh Tông,… đã chạm khắc vào lịch sử tấm gương chói lọi về lòng yêu nước thương dân. Những Hoàng Hậu, Công Chúa vì nghĩa nước quên mình như: Thái Hậu Dương Vân Nga thế kỷ IX, Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần thế kỷ XV, Công chúa Lê Ngọc Hân thế kỷ XVIII. Về văn học nghệ thuật: Nữ sĩ tài hoa xứ kinh Bắc Đoàn Thị Điểm để lại cho đời Chinh Phụ Ngâm, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thi sĩ Xuân Quỳnh tài hoa bạc mệnh đã để lại cho đời những tác phẩm bất tử. Con gái của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Sương Nguyệt Ánh vào đầu thế kỷ XX được đánh giá là người phụ nữ điển hình tài sắc vẹn toàn, với cương vị là Nữ Tổng biên tập báo đầu tiên của Việt Nam, bà đã thức tỉnh phụ nữ Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước, sự bình đẳng của phụ nữ qua tờ báo “Nữ Giới chung” – Tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam (01/02/1918).

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm,… Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dung dị, mộc mạc tảo tần; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; họ đã từng mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi họ cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu của họ không bao giờ trở về; Họ chính là những người mẹ, người bà, người chị của chúng ta. Họ là những người mẹ Việt Nam anh hùng!

Nếu như trong thời chiến, phụ nữ Việt Nam xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới đất nước thì giờ đây chị em cùng nhau luyện rèn xứng đáng với 4 phẩm chất “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”. Chính sự luyện rèn ấy đã giúp chị em nắm bắt được cơ hội, vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống. Đó là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa đến kinh tế, chính trị như: tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, người “phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật” như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định tại buổi tiếp các trưởng đoàn dự cuộc họp “Mạng lưới lãnh đạo nữ lần thứ 11” của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2006. Đó không chỉ là những mẹ hiền tần tảo nuôi con, là những người vợ hiền đảm đang thủy chung, là những người con hiếu thảo với cha mẹ, mà còn là người phụ nữ rất thành công trong xã hội.

Hồng Nhung (tổng hợp)