Phòng, chống lũ cho sông Hồng

tt747Biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn sông Hồng đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác phòng, chống lũ trên con sông này.
Khi mà gần một nửa diện tích lưu vực và tổng lượng nước của sông Hồng nằm ngoài biên giới, hàng chục công trình thủy điện hồ chứa lớn, nhiều công trình thủy điện lớn đã vận hành. Tình hình đó sẽ tạo ra các tình huống phức tạp trong vấn đề cắt lũ và tích nước phát điện của các công trình thủy điện Sơn La, Hòa Bình, ảnh hưởng cả đến thủy điện Thác Bà, Na Hang.

Hai xu thế sẽ xảy ra là có lũ nhỏ hoặc không có lũ, đồng thời cũng dễ xảy ra lũ lớn bất thường, không như quy luật chuỗi thủy văn truyền thống đã được tính toán trong quy hoạch lũ. Trên thực tế, diễn biến của sông Hồng trong mấy năm qua cho chúng ta cảm nhận ngày càng rõ nét hơn điều đó; năm 2010, hồ Hòa Bình không xả lũ mà mức nước tích được thiếu hụt hơn 10 m, trong lúc đó, giữa mùa khô mức nước tại Lào Cai có lúc lên tới mức báo động một.

Chính phủ đã có Nghị định 04/2011/NÐ-CP bãi bỏ việc sử dụng các khu phân chậm lũ trong hệ thống sông Hồng nên vấn đề an toàn lũ phụ thuộc vào điều tiết cắt lũ của các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Na Hang, khả năng thông thoáng lòng dẫn thoát lũ và sức chịu đựng của hệ thống đê điều khi có lũ lớn. Song, vấn đề cắt lũ của các hồ chứa đã trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn nhiều so với quy trình đã lập vì quá trình cắt lũ và tích nước phát điện phụ thuộc rất nhiều vào một nửa lưu vực về phía thượng nguồn. Mục tiêu bảo đảm an toàn lũ không đổi nhưng vấn đề vận hành phải đổi mới và khoa học hơn nhiều, cần cân nhắc lại khung thời gian tích nước và cắt lũ, ít nhất là thời gian lũ sớm có thể nâng mức nước trước lũ so với quy trình hiện hành,  thời gian lũ lớn cần nghiên cứu rút ngắn từng thời đoạn vận hành để điều tiết hợp lý trên cơ sở dự báo khí tượng thủy văn, vừa bảo đảm thoát lũ, vừa bảo đảm tích nước cần thiết.

Ðể đáp ứng yêu cầu trên, hệ thống đê điều giữ theo mức nước lũ thiết kế nhưng phải được nâng cấp, đủ sức vận hành an toàn trong điều kiện lũ lớn kéo dài ngày. Vấn đề thông thoáng hành lang thoát lũ sông Hồng cũng là mối lo lớn của các nhà chuyên môn, nhất là với Thủ đô Hà Nội, thành phố đã có Nghị quyết 17/2009/NQ-HÐND về Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên địa bàn Hà Nội, trong đó quy định chỉ giới thoát lũ với từng tuyến đê. Hơn một năm nghị quyết ra đời nhưng công việc triển khai thật đáng lo ngại, khi mà Thủ đô đã mở rộng thì an toàn đê điều của Hà Nội trở nên quyết định toàn bộ sự an toàn của hệ thống sông Hồng.

Các thay đổi về biến đổi khí hậu và tình hình thượng nguồn sông Hồng đòi hỏi công tác dự báo khí tượng thủy văn phải được hiện đại hóa và thay đổi cách đáp ứng các yêu cầu của sự vận hành cắt lũ và tích nước phát điện, ứng phó kịp thời với những thay đổi của việc khai thác nguồn nước ngoài biên giới. Các trạm thủy văn Mường Tè, Lai Châu, Thanh Thủy và Sơn Tây vận hành theo cơ chế trực tiếp cung cấp số liệu hằng giờ (lưu lượng mực nước, lượng mưa…) về các trung tâm chỉ đạo cần thiết, phục vụ các dự báo ngắn hạn, trung  hạn, nhận dạng lũ trong từng khung thời gian để đưa ra các quyết định bảo đảm an toàn chống lũ, hài hòa lợi ích cắt lũ và tích nước phát điện, bảo đảm môi trường sinh thái bền vững của hệ thống sông Hồng.

Ứng phó với tình hình trên cần có một tổ chức điều hành khoa học, linh hoạt và tin cậy, bảo đảm cho việc chuẩn bị các phương án để Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Chính phủ ra các quyết định. Ðể làm được điều đó đòi hỏi phải có một cơ quan chỉ huy thống nhất quản lý toàn diện về tài nguyên nước, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
(Theo dwrm)