Tại Hội nghị, báo cáo tham luận của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Sở TN&MT và UBND các địa phương đã phác họa một bức tranh toàn diện về công tác TN&MT trong năm qua. Đặc biệt đã định hướng nội dung, chú trọng các giải pháp thực hiện trong năm 2011 nhằm nâng cao toàn diện hiệu quả hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về TN&MT.
* Tin tưởng ngành tiếp tục có những đóng góp xứng đáng
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng kết quả ngành TN&MT đạt được trong thời gian vừa qua. Năm 2010, ngành tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý chuyên ngành góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền, quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Đặc biệt Luật Khoáng sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã tạo thuận lợi cho việc phát triển đầu tư, phát triển kinh doanh…
Năm 2010, trên lĩnh vực quản lý đất đai, ngành đã làm tốt công tác khiếu nại tố cáo, triển khai tốt Nghị định 69/CP, Nghị định 88/CP. Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Sở TN&MT địa phương đã tập trung giải quyết tốt những vướng mắc về đất đai, nhất là vướng mắc trong các dự án lớn như dự án Dung Quất, Thủy điện Sơn La, các dự án đường cao tốc… “Công trình thủy điện Sơn La hoàn thành sớm 2 năm có công lớn về giải phóng mặt bằng, tái định cư trong đó có đóng góp của ngành TN&MT rất đáng ghi nhận”.
Về quản lý tài nguyên nước, ngành đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong quản lý và các giải pháp xử lý các vấn đề sông quốc tế, ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt khi biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến lưu vực sông, đảm bảo các vấn đề mang tính chiến lược và phát triển bền vững, đảm bảo cân bằng nước.
Lĩnh vực địa chất khoáng sản cũng đạt được nhiều thành tựu rất đáng phấn khởi. Đây là kết quả của quá trình tích lũy trí tuệ, số liệu của ngành từ trước đến nay.
Lĩnh vực môi trường đã tiếp tục xử lý tốt các vi phạm Luật Bảo vệ môi trường của Vedan, Huyndai Vinashin. Nhận thức của xã hội ngày càng được nâng cao.
Lĩnh vực biến đổi khí hậu, đã đưa được các kịch bản để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động. Chuẩn bị những chương trình và giải pháp trình Chính phủ để có thể ứng phó.
Biển và hải đảo là lĩnh vực mới nhưng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết hợp bảo vệ và giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển.
Năm 2011, Chính phủ đã đưa ra 7 giải pháp lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cơ cấu kinh tế gắn với mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu và có hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống thiên tai. Phó Thủ tướng đồng tình với báo cáo của Bộ và đề nghị ngành TN&MT cần thống nhất giải pháp triển khai nhiệm vụ trong năm 2011.
Tiếp tục cơ chế chính sách về đất đai. Đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có những kiến nghị đóng góp xây dựng về cơ chế chính sách để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý đất đai.
“Nước ta là một quốc gia thiếu nước, thiếu cả nguồn năng lượng nên đồng thời phải tiết kiệm nước, tiết kiệm đất và tiết kiệm năng lượng. Thời gian tới cần tiếp tục theo dõi, xây dựng cơ chế chính sách quản lý nước nguồn, nước thải, để sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường. Phải quản lý nguồn nước khoa học mới đảm bảo nguồn nước cho phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý cần sớm đưa Luật Khoáng sản vào cuộc sống. Thúc đẩy việc thí điểm đấu thầu, đấu giá mỏ, xóa bỏ cơ chế xin cho, xây dựng cơ chế mới đảm bảo sử dụng khoáng sản hợp lý và có hiệu quả, tăng nguồn thu cho Nhà nước.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra xử phạt, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ môi trường tốt hơn. Tiếp tục thúc đẩy và có cơ chế phối hợp để tiếp tục di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi các thành phố lớn.
Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 là thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực này. Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng được các đề án, dự án phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để kêu gọi đầu tư của nước ngoài. “Chỉ có đa dạng hóa các nguồn vốn, đẩy mạnh hợp tác đầu tư quốc tế, ta mới thu hút được hàng tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu, trước mắt bảo vệ người dân ở các vùng thiên tai thường xuyên đe dọa”, Phó Thủ tướng nói.
Năm 2011 là năm Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đi vào giai đoạn thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT cần tiếp tục nâng cao vai trò đầu mối, hình thành chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành và từng bước triển khai Kế hoạch hành động của mình.
Đặc biệt với công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2010, ngành đã hoàn thành những bước cơ bản, cắt giảm được hơn 30% số thủ tục hành chính. Năm 2011 phải xây dựng, gắn kết được việc tiêu chí hóa và thời lượng hóa đối với từng loại thủ tục hành chính. Có bộ máy theo dõi để triển khai thủ tục hành chính khoa học hơn.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng trong năm 2011 ngành TN&MT tiếp tục đạt được những thành tích to lớn hơn, có những đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
* Đóng góp nhiều hơn cho kinh tế xã hội và phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã điểm qua một số thành tựu đáng ghi nhận của Bộ trong quản lý 7 lĩnh vực TN&MT năm qua.
Đó là Bộ đã đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương cơ bản hoàn thành Tổng kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban.
Dấu ấn quan trọng trong quản lý Nhà nước năm qua là Bộ đã tập trung hoàn thành xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Những điểm mới mang tính “đột phá” trong Luật sẽ làm thay đổi căn bản công tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong lĩnh vực môi trường, Bộ đã tăng cường chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và giải quyết các vấn đề xã hội, đẩy mạnh bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông.
Năm 2010, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Thông báo Quốc gia lần thứ hai của Việt Nam gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu; theo dõi sát sao tiến triển của Thỏa thuận Copenhagen và các hoạt động đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Bộ đã tập trung huy động khả năng nhân lực, vật lực để dự báo chính xác thời tiết, góp phần chuẩn bị và tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam với trọng tâm tuyên truyền phát triển kinh tế biển, đảo, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo giai đoạn từ nay đến năm 2015 được Chính phủ phê duyệt sẽ tạo tiền đề tốt cho việc quản lý biển đảo lâu dài.
Năm 2010, trước tình hình thủy văn phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 33 quy trình vận hành liên hồ chứa, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh; tăng tốc hoàn thành Luật Tài nguyên nước sửa đổi để trình Quốc hội thông qua năm 2011.
Bộ cũng đã tích cực triển khai Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 và đã hoàn thành việc rà soát, tính toán lại tổng diện tích tự nhiên của từng đơn vị hành chính trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, Bộ quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy của ngành, đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển đào tạo nhân lực ngành TN&MT giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về đào tạo theo nhu cầu ngành tài nguyên và môi trường; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Quyết định thành lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Đây là những bước phát triển mới, quan trọng trong công tác kiện toàn bộ máy của Bộ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường.
Tuy nhiên, để đưa TN&MT thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển bền vững, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, các Sở TN&MT cần quán triệt Nghị quyết 27 của Ban Cán sự Đảng về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT, tạo đột phát, nâng cao giá trị đóng góp của ngành.
Các đơn vị cần kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra; đồng thời đẩy mạnh điều tra cơ bản, chủ động trong hợp tác quốc tế để đón đầu những nguồn đầu tư mới.
* 2011: Mở đầu giai đoạn thi đua quan trọng
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã phát động phòng trào thi đua năm 2011 và giai đoạn 2011 – 2015 trong toàn ngành.
Theo Thứ trưởng, năm 2011 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm khởi đầu, quyết định sự thành công của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 của cả nước, cũng như Chiến lược Phát triển ngành TN&MT thời kỳ 2011 – 2015. Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT phát động phong trào thi đua năm 2011 và giai đoạn 2011 – 2015 trong toàn ngành. Chú trọng vào việc toàn ngành TN&MT quyết tâm phấn đấu xây dựng ngành TN&MT vững mạnh toàn diện, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, chủ động ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu. Phấn đấu đưa ngành tài nguyên và môi trường trở thành ngành kinh tế kỹ thuật tổng hợp quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân.
Các đơn vị trong toàn ngành tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện những nhiệm vụ trong tâm của ngành như: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cấp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện đổi mới phương thức vận hành và cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý TN&MT, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tài chính, công cụ kinh tế nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường; tăng cường công tác điều tra cơ bản góp phần nâng cao chất lượng các quy hoạch, chiến lược; tăng cường, chủ động hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt, các phong trào thi đua của các đơn vị phải gắn kết với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành hãy phát huy những thành quả đã đạt được, ra sức phấn đấu, tiếp tục cổ vũ, khơi dậy tinh thần thi đua cao nhất, lòng yêu nước mạnh mẽ nhất, ý chí tự lực tự cường, yêu ngành, yêu nghề cùng “đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, hội nhập và phát triển”, thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2011 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi toàn diện kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2011 – 2015 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó, đưa ngành TN&MT phát triển lên tầm cao mới.
Bộ TN&MT tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 6 tập thể thuộc Bộ và 9 Sở TN&MT
1. Trung tâm Viễn thám Quốc gia
Bộ trưởng Bộ TN&MT Bằng khen cho 26 tập thể
(Theo Monre.gov.vn) |