Phản đối xây đập thủy điện trên dòng chính Mekong bằng dữ liệu xác tín

Mới đây, tại cuộc đối thoại “Thách thức từ các hoạt động phát triển trên dòng chính sông Mekong” do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD) phối hợp cùng Trung tâm quan trắc Môi trường TP Cần Thơ tổ chức, ý kiến của nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, các cơ quan chuyên môn về quan trắc môi trường, các nhà khoa học ở Viện Biến đổi khí hậu, các sở Tài Nguyên & Môi trường và tiếng nói từ giới truyền thông cho thấy sự quyết tâm xây đập thủy điện trên dòng chính Mekong của các nước thượng nguồn trở thành vấn đề nóng gắn liền nhu cầu cấp bách về sự đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu những tác động bất lợi tới vùng hạ lưu.

Trình bày của các nhà khoa học đã cho thấy những tác động tiêu cực lên hệ sinh thái cũng như sinh kế người dân vùng hạ lưu khi các công trình này được xây dựng. Đối với ngành thủy sản, 1.200 loài cá vùng hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng. Riêng ĐBSCL, hàng năm có khoảng 220.000 – 440.000 tấn cá trắng bị rủi ro, chưa tính đến nguồn cá đen tổn thất do mất nguồn cá trắng làm thức ăn và thay đổi môi trường. Ngoài ra, năng suất hải sản của hơn 730 km bờ biển của vùng cũng bị đe doa vì lượng phù sa sông Mêkông bị giản sút nghiêm trọng (chỉ còn ¼). Bên cạnh đó, hiện tượng sạt lở bờ sông, mất ổn định dòng chảy vùng hạ lưu và sạt lở bở biển sẽ xuất hiện.

Để có được tiếng nói mạnh mẽ hơn, các đại biểu đồng tình cho rằng nhà nước cùng với chính quyền địa phương, các nhà khoa học nên tăng cường đầu tư, mở rộng phạm vi nghiên cứu để có các số liệu cụ thể, rỏ ràng và toàn diện làm luận cứ chắc chắn hơn, các công trình nghiên cứu, các địa phương nên có sự liên kết với nhau.

Nhiều đại biểu tham gia buổi tọa đàm cho rằng: Không nên giậm chân tại chỗ khi nghe tin Lào một lần nữa hứa hẹn chưa xây đập Xayaboury tới khi nào tìm ra được các giải pháp cho các mối quan ngại của các nước phía hạ lưu sông Mekong, mà phải đầu tư nghiên cứu, tập hợp những cứ liệu xác tín cao cung cấp cho các giới chức có thẩm quyền làm bằng chứng đối thoại hiệu quả với các nước thượng nguồn vốn rất hăng hái làm đập thủy điện trên dòng chính Mekong.

 

 

 

 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)