Nước được ví như “Vàng Trắng” và nguy cơ khan hiếm, cạn kiệt tài nguyên “vàng trắng” ở nước ta

Nước ta có hệ thống sông, suối dày đặc. Điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý đã ban cho Việt Nam chúng ta có nguồn tài nguyên “nước – vàng trắng” dồi dào và phong phú gồm: nước mặt và nước ngầm, lại có thêm lượng mưa đáng kể hằng năm. Từ thực tế này, các báo cáo quy hoạch, đánh giá về tài nguyên nước trước đây của ngành Tài nguyên Môi trường luôn nói rằng Nước ta có tài nguyên nước dồi dào và không lo bị thiếu nước. Tuy nhiên, theo dõi diễn biến về khí hậu và thời tiết trong những năm gần đây, với hiện tượng cạn kiệt nguồn nước từ các dòng sông, suối, hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu cho thấy Nước ta đang đứng trước những nguy cơ khan hiếm và cạn kiệt tài nguyên nước.

1. Sự suy kiệt nguồn nước và nguyên nhân

Đất nước chúng ta có khoảng 208 con sông lớn nhỏ, nhìn vào số liệu này thì chúng ta tưởng rằng chúng ta không cần phải lo lắng sẽ bị khan hiếm, cạn kiệt nguồn nước, nhưng thực do Việt Nam chúng ta nằm ở vùng hạ nguồn của các con sông lớn, nên 60% lưu lượng nước trên sông phụ thuộc vào vùng thượng nguồn nằm ngoài Việt Nam, tức là 60% lưu lượng nước là từ các nước láng giềng như: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia rồi mới vào Việt Nam.

Chúng ta biết rằng thủy điện mang lại nguồn lợi ích kinh tế, chính trị to lớn, không chỉ Việt Nam khai thác nguồn nước làm thủy điện, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Trung Quốc và các nước ở thượng nguồn dòng chảy cũng tìm mọi cách để ngăn dòng làm thủy điện đã làm thay đổi quy luật dòng chảy trên các sông lớn Mê kông và sông Hồng. Điều này có nghĩa là Việt Nam chúng ta không thể kiểm soát được 60% tổng lượng dòng chảy trong nội địa. Sự phân phối nguồn nước không đều; thiên tai và biến đổi khí hậu là mối đe dọa đến tài nguyên nước, mặt khác chất lượng nguồn nước đang bị suy giảm nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ về cạn kiệt nguồn nước diễn ra trầm trọng ở nước ta trong khi đó nhu cầu sử dụng nước của con người lại ngày càng cao.

Một hiện tượng dễ nhận thấy rằng những năm gần đây sự suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, suối và hồ chứa trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, mùa mưa và lưu lượng mưa thất thường dẫn đến hạn hán hoặc úng ngập cục bộ xảy ra thường xuyên và trên diện rộng trong khắp các vùng trong cả nước. Sự suy kiệt và diễn biến thất thường của nguồn nước cho thấy đất nước chúng ta đã và đang đứng trước những nguy cơ về thiếu hụt nguồn nước cho sinh hoạt và nước cho sản xuất là rất trầm trọng.

Về nguyên nhân gây ra suy kiệt tài nguyên nước, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chỉ ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do sự biến đổi khí hậu và khai thác quá mức tài nguyên nước.

Những năm gần đây, do các nước trong vùng thượng nguồn đã đầu tư xây dựng các công trình khai thác, phát triển thủy điện với quy mô lớn dẫn đến nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng cạn kiệt đó là nguyên nhân thứ nhất dẫn đến sự suy kiệt nguồn nước, điển hình là sông Mê kông và sông Hồng.

Nguyên nhân thứ hai là do phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, những năm gần đây bên cạnh việc phát triển thủy điện làm giảm mực nước chảy trong hệ thống sông, suối thì hiện tượng môi trường nước ở nhiều khu vực đô thị, các khu công nghiệp, nhà máy và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn xả xuống hệ thống sông, hồ mà chưa được xử lý. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên diện rộng, thậm chí còn gây ô nhiễm cả nguồn nước ngầm, dẫn đến nhiều vùng có nước, nhưng không sử dụng được vì bị nhiễm bẩn.

Nguyên nhân thứ ba là do hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa trong các mùa giảm đi rõ rệt. Những năm gần đây, mùa mưa thường kết thúc sớm và bắt đầu thì lại muộn không theo quy luật, dẫn đến làm hạn hán tại nhiều vùng trên cả nước. Đặc biệt việc cạn kiệt nguồn nước thể hiện rõ nhất trong năm nay, khi cả 3 vùng: Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Bắc bộ đều bị gặp hạn nặng.

Nguyên nhân thứ tư không kém phần quan trọng đó là do tài nguyên rừng bị tàn phá quá nhiều do nhiều nguyên nhân như nạn lâm tặc, làm thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp dẫn đến hạn chế việc điều tiết nguồn nước và ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sinh thái.

bai101

 

Công trình thủy điện Sông lô 4 đang thi công trên dòng sông Lô

2. Những vấn đề khẩn cấp cần phải bảo vệ tài nguyên nước

Theo dự báo của chuyên gia ngành Tài nguyên và Môi trường sau “cơn sốt” của tài nguyên đất, tới đây sẽ dẫn đến sốt tài nguyên nước. Do đó, ngành Tài nguyên đã lên kế hoạch, quy hoạch, chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quản lý, bảo vệ tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh Quốc gia về nguồn nước là việc làm cấp bách của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Nội dung chiến lược quản lý tài nguyên nước thực hiện trên phạm vi cả nước, được tập trung vào 13 lưu vực sông ưu tiên. Nhóm ưu tiên cao nhất là các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Đồng Nai và Cửu Long; nhóm ưu tiên thứ hai gồm các lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Srê Pốk, Sê San và sông Mã; nhóm thứ ba gồm lưu vực các sông Cả, Gianh, Trà Khúc, Kôn, Ba.

Theo các nội dung trong chiến lược, mục tiêu giai đoạn I (từ 2011-2015) thì 100% các lưu vực sông nhóm ưu tiên cao nhất và 50% lưu vực nhóm hai và ba hoàn thành việc xây dựng và quy hoạch phân bổ tài nguyên nước, kiểm soát, duy trì dòng. Bên cạnh đó, 100% hồ chứa thủy điện vừa và lớn vận hành điều tiết nguồn nước đảm bảo duy trì dòng chảy ở vùng hạ du; 100% các lưu vực sông ưu tiên có quy trình vận hành liên hồ chứa.

Giai đoạn II (từ 2016-2020) thì 100% các lưu vực sông ưu tiên hoàn thành việc thực hiện phân bổ tài nguyên nước và các lưu vực sông liên tỉnh được xác định, công bố và kiểm soát duy trì dòng chảy; đồng thời đối với việc sử dụng tài nguyên nước, giai đoạn này sẽ triển khai nhân rộng các mô hình quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và giảm tổn thất tài nguyên nước, tăng cường khả năng trữ nước. Đối với khu vực đô thị và khu vực kinh tế sử dụng nước, chương trình sẽ xây dựng các mô hình quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và giảm tỷ lệ tổn thất nước, tái sử dụng nước để áp dụng vào thực tế tại 10 công trình thủy lợi, 5 đô thị lớn và mô hình thí điểm tái sử dụng nước tại 5 doanh nghiệp sử dụng nước trọng điểm. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ xây dựng các mô hình thí điểm nhằm tăng cường khả năng trữ nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất để áp dụng tại 10 điểm khan hiếm nước ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Dân số quốc gia và thế giới gia tăng, cùng với nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng cao là áp lực nặng nề đối ngành quản lý, bảo vệ với tài nguyên “vàng trắng”. Để khắc phục và đối phó với các nguy cơ về cạn kiệt nguồn nước, Việt Nam chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp tích cực hơn nữa và đặc biệt là quan tâm đến các vấn đề tiềm tàng có thể gây hại đến môi trường và nguồn nước như phải có tiếng nói và làm tốt trong việc tham gia tư vấn, phản biện và xét duyệt quy hoạch mạng lưới thủy điện của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Nhu cầu nước tính đến năm 2020 của Việt Nam chúng ta sẽ là 80 tỉ mét khối/năm, đến năm 2030 sẽ là 87 – 90 tỉ mét khối/năm. Khối lượng này chỉ bằng khoảng 11% tổng lượng tài nguyên nước, hoặc 29% tài nguyên nước nội địa. Đây là một thực trạng đáng báo động và nếu chúng ta không quản lý tốt nguồn tài nguyên này ở tầm cỡ khu vực, quốc gia và quốc tế thì chỉ trong tương lai gần, Nước ta sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nước.