Xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) có trên 3 ngàn hộ, gần 10 thôn, bản nhiều năm nay nằm trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Năm 2006, Công ty Kinh doanh nước sạch Lào Cai đã tiến hành khảo sát nguồn nước thuộc bản Liên Hà 3 để chuẩn bị xây dựng bể chứa lớn ở đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đã gặp phải khó khăn trong giải phóng mặt bằng, cũng như kinh phí xây dựng, do vậy, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Năm 2010, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát suối Ngòi Khôi (thuộc bản Liên Hà 2) nhằm xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước về các bản. Nhưng, theo như ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Bảo Hà thì dự án trên rất khó khả thi, vì vị trí của nguồn nước quá thấp so với mặt bằng các khu dân cư. Hậu quả là người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt và phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, trong khi địa phương này đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới và vươn lên thị tứ vào năm 2015.
* Biết nước ô nhiễm, nhưng vẫn dùng!
Cách bờ sông Hồng chưa đầy 50m, hơn 100 hộ dân thôn Bảo Vinh (gần cổng đền Bảo Hà) nhiều năm nay vẫn sử dụng chung nguồn nước giếng làng mặc dù biết giếng này không đảm bảo vệ sinh do nhiễm gỉ sắt từ công trình kè sông. Sự ô nhiễm này được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận thông qua việc xét nghiệm mẫu nước. Bằng chứng rõ ràng nhất là trên bề mặt thành giếng hay các ống dẫn nước của người dân luôn phủ kín một lớp gỉ sắt. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra thông báo khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước trên. Thế nhưng, nguồn nước này vẫn được các hộ sử dụng trong sinh hoạt, mặc dù họ vẫn biết là nguồn nước trên bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không dùng thì không biết lấy đâu ra nguồn nước sạch để thay thế.
Tình trạng “khát” nước sạch cũng diễn ra tại thôn Bảo Vinh, Liên Hà 1, Liên Hà 2 của xã. Nơi đây có vài trăm hộ sinh sống, nhưng có tới 90% lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các hộ tự đào giếng, nhưng nguồn nước có lượng đá vôi rất lớn, chỉ dám dùng vào việc tắm giặt hoặc phục vụ tưới cây và chăn nuôi. Cực chẳng đã, có hộ khá giả về kinh tế đã tự đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng bể chứa nước từ các khe trên núi làm đường ống dẫn nước về nhà để dùng. Thế nhưng, ngay cả nguồn nước hiếm hoi này cũng đang có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, bởi tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan của một số hộ dân đang diễn ra ngay đầu nguồn nước. Tất cả quá trình pha chế thuốc bảo vệ thực vật và rửa bình phun được thực hiện ngay tại các đập gần đó. Bên cạnh đó, chất thải từ chăn thả gia súc tại đầu nguồn nước cũng là lí do khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Thôn Liên Hà 2 còn có khu tập thể giáo viên với gần 30 thầy – cô giáo của Trường THPT số 2 Bảo Yên đang sinh sống. Ngay giữa khu tập thể, các thầy – cô tiến hành đào một giếng lớn, sâu 7 mét, nhưng cũng chỉ để tắm giặt vì lượng đá vôi quá lớn. Thành ra nước ăn hàng ngày, các cô vẫn phải đi mua cách đó gần 1km.
* Muốn có nước sinh hoạt phải mua
Gần sông, suối nhưng người dân vẫn phải mua nước để sinh hoạt nấu ăn. Nguồn nước được cả xã mua là của bản Liên Hà 3, cách trung tâm xã khoảng 1000m. Đây là bản nằm dọc quốc lộ 279 dưới chân núi đá Mã yên Sơn. Theo quan sát, tại đây có hơn 10 mạch nước nhỏ chảy ra từ khe đá ra, được các hộ dân gia công, tạo máng hứng trực tiếp vào những chiếc can, rồi sau đó, dùng xe trâu kéo xuống chợ Bảo Hà bán và một phần lớn đem đến các địa chỉ quen thuộc là các gia đình, nhà hàng v.v… Với giá bán hiện nay dao động từ mức 3 – 4 nghìn đồng/can 20 lít, một ngày một người chỉ cần bán một xe nước chừng 50 can đã có thu nhập 150.000 đồng. Anh Hoàng Minh Chung, bản Liên Hà 3, xã Bảo Hà cho biết: Mỗi ngày, gia đình anh bán được khoảng 40 – 50 can nước, cho thu nhập từ 2 – 5 triệu đồng/tháng.
Tính trung bình, mỗi ngày, bản Liên Hà 3 cung ứng ra thị trường trên dưới 10 nghìn lít nước. Theo anh Chung, không phải hộ dân nào có nhu cầu đều có thể được dùng nguồn nước trên, vì lượng nước chảy ra tại các mạch nước này cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường; đặc biệt là vào mùa khô, nguồn nước mạch càng trở nên khan hiếm, chỉ đủ đáp ứng cho chính các hộ dân tại đây.
* Lúng túng quy hoạch cung cấp nước
Trước thực trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, nhiều dự án nước sạch được chính quyền xã Bảo Hà phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát địa điểm, triển khai xây dựng trạm bơm lọc nước. Tuy nhiên đến nay, vì nhiều lí do, nên những dự án đó vẫn chỉ là trên giấy tờ, chưa có tín hiệu khả quan. Năm 2006, Công ty Kinh doanh nước sạch Lào Cai cũng đã tiến hành khảo sát nguồn nước thuộc bản Liên Hà 3, trên cơ sở đó, đơn vị sẽ cho xây dựng bể chứa lớn ở đầu nguồn nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực trung tâm xã Bảo Hà, tuy nhiên quá trình triển khai dự án đã gặp phải khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng, cũng như kinh phí xây dựng. Năm 2010, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát suối Ngòi Khôi (thuộc bản Liên Hà 2) nhằm xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước về các bản định cư. Nhưng, theo ông lãnh đạo xã thì dự án trên rất khó khả thi, vì vị trí của nguồn nước lại quá thấp so với mặt bằng sinh sống của dân cư.
Theo lộ trình quy hoạch của tỉnh xây dựng nông thôn mới, xã Bảo Hà sẽ hoàn thành 15 tiêu chí quốc gia và trở thành thị tứ vào năm 2015. Nhưng nếu còn lúng túng trong mục tiêu cấp nước sạch sinh hoạt cho dân thì người dân xã Bảo Hà vẫn thiếu nước sinh hoạt, việc này ảnh hưởng đến tiến độ chung xây dựng nông thôn mới nếu trong thời gian tới, chính quyền huyện, xã và các ngành chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân nơi đây.
(Theo Monre.gov.vn)