Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 khu vực Tây Nguyên: Đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung sửa đổi Luật Đất đai

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu chủ trì Hội nghị
Ngày 17/12 tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, chủ trì Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 khu vực Tây Nguyên, gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. “Những vấn đề liên quan đến chính sách giao đất, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, điều tiết lợi ích đất đai… được thảo luận tại Hội nghị sẽ giúp cho việc tổng kết, xây dựng Dự án sửa Luật và tổ chức thực hiện Luật Đất đai trong thời gian tới”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu và Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ.  

Tham dự hội nghị, cùng với Trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai 2003 Nguyễn Mạnh Hiển, còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Trung ương Đảng) Nguyễn Văn Tiến, đại diện Bộ Tư pháp và một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT, một số doanh nghiệp các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển – Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai 2003 – khẳng định 6 kết quả quan trọng mà Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ nhằm hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.

Đó là công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đổi mới; thống nhất việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác tài chính đất đai; quản lý Nhà nước về đất đai theo hướng kinh tế hóa và quản lý Nhà nước về đất đai với sự phát triển của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, đã phát sinh những nội dung cần điều chỉnh như chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa Nhà nước – nhà đầu tư và người dân, cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích… “Vì vậy, việc tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 nhằm đánh giá sâu rộng những kết quả đã đạt được, đúc kết những ưu điểm, tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất nội dung cần sửa đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh đến 2020 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long cho rằng vấn đề đất Tây Nguyên đặt ra là đất ở của đồng bào dân tộc hạn mức bao nhiêu, lấy mốc từ năm nào? Đất nông nghiệp cũng phải đặt ra hạn mức. Điều này quan trọng bởi nếu sản xuất không hiệu quả, bà con có quyền cho thuê, chuyển nhượng, tạo ra sự tích tụ ruộng đất cho người có điều kiện. Vậy hạn mức được giao, được nhận sử dụng là vấn đề cần được làm rõ. “Thời hạn giao đất không nhất thiết phải đồng loạt cả nước mà từng địa phương, từng loại đất, có thể đặt ra thời hạn sử dụng và giao đất khác nhau…”, ông Trần Đình Long nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu, là một tỉnh đang trong giai đoạn phát triển và định hình, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên rộng lớn với hơn 1,3 triệu ha, có 15 đơn vị hành chính cấp huyện và 184 đơn vị hành chính cấp xã. Qua 7 năm thực hiện Luật Đất đai, tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được kết quả đáng khích lệ. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất đã được chú trọng và tổ chức thực hiện ở 3 cấp trên địa bàn tỉnh, làm căn cứ giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất đến 2010 đã được Chính phủ xét duyệt. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 đến nay đã được triển khai và cơ bản hoàn thành.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 của tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nguyễn Đức Dục cho biết, về tài chính đất đai và giá đất, việc ban hành bảng giá đất hàng năm đúng thời gian quy định, chi tiết đến từng đoạn đường, hạng đất nông nghiệp theo địa bàn hành chính cấp xã đã tạo thuận lợi trong xác định nghĩa vụ tài chính khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Nhưng vướng mắc là giá đất cho UBND tỉnh quy định hàng năm còn thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường là do việc thu thập thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường chưa được cập nhật thường xuyên. Chưa thống nhất một cơ quan tham mưu đề xuất xác định giá đất cho UBND tỉnh, khi Sở TN&MT đề xuất bảng giá đất hàng năm, thì Sở Tài chính đề xuất giá đất cụ thể.

Ông Trương Văn Hiển, Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông, nêu lên một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng liên tục chuyển đất lâm nghiệp sang nông nghiệp và tình trạng người dân phá rừng làm rẫy sau một quá trình lại được công nhận quyền sử dụng đất là không công bằng và kỷ cương chưa nghiêm. Ông Hiển còn thống kê một số văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai còn có những mâu thuẫn chưa thống nhất…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) Kiều Thanh Dũng đề nghị miễn tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân tại các xã, thôn, buôn vùng đặc biệt khó khăn và các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích được miễn là 200 m2 đất ở.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Hoàng Văn Tám cho rằng, cần có quy định về thời hạn giao đất và hạn mức giao đất

Lãnh đạo một số Sở TN&MT, các doanh nghiệp cũng có những kiến nghị trong sửa đổi Luật như miễn 100% tiền thuê đất đối với các nông, lâm trường trồng cây công nghiệp hàng năm và lâu năm, miễn toàn bộ tiền thuê mặt nước sông suối, ao hồ, đường lô cho các nông, lâm trường…

Đánh giá cao việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của tỉnh Đắk Lắk cũng như triển khai tốt nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất 3 cấp, giải quyết tốt đơn thư, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, vấn đề quan trọng là định hướng sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới theo hướng ổn định trong 10 năm.

 

tt83

Toàn cảnh Hội nghị

 

 

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển lưu ý “cần làm rõ quyền sở hữu đất với vai trò của Nhà nước và quyền cũng như trách nhiệm của người sử dụng đất. Có nên giao lại đất, chia lại đất hay ổn định? Nếu không sẽ sử dụng công cụ thuế ra sao? Tích tụ ruộng đất nên giới hạn ở mức nào? Những cơ chế điều tiết giá trị đất ngày càng tăng lên do sử dụng đất…”. Đây là những vấn đề cần tiếp tục được thảo luận đề xuất trên cơ sở những vấn đề lớn nói trên.

Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, các địa phương cần hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 trước 31/3/2011.

Đầu tháng 1/2011, Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Đất đai khu vực phía Bắc và phía Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)