Trung tâm QH&ĐTTNNQG tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành tài nguyên và môi trường

tk11Sáng 8/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai Kế hoạch nhiệm vụ năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Linh Ngọc, Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan ở Trung ương các, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Bước vào năm 2017, tình hình đất nước có nhiều yếu tố thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức; toàn ngành đã quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, lấy phương châm “tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động”, ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu về phát triển KT-XH của đất nước trong năm 2017.
Cụ thể, ngành đã tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhất là về đất đai, thị trường bất động sản, “cởi trói” được một phần cho nông nghiệp. Công tác cải cách hành chính đã có những bước cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; liên thông 11 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.
Đặc biệt đã tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ để huy động sáng kiến cho phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, mở ra một mô hình mới về phát triển các vùng đồng bằng thích ứng với BĐKH trên phạm vi cả nước.
Với sự nỗ lực của toàn ngành công tác công tác quản lý, sử dụng đất đai đã có sự chuyển biến rất rõ nét, thu tài chính từ đất tăng, chiếm khoảng 12% thu nội địa; nhiều vấn đề dư luận, người dân quan tâm như lãng phí đất đai, cấp GCN đã có chuyển biến với hơn 78 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai được đưa vào sử dụng, hơn 1,8 triệu giấy GCN được cấp mới. Công tác BVMT đã có những bước chuyển biến lớn, chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thành kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành như: Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang v.v., đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Bước đầu triển khai có hiệu quả chủ trương kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Đã phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông, nhờ đó tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông đã giảm. Nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan trong năm nay đã được dự báo, cảnh báo tương đối kịp thời, giảm thiểu nhiều thiệt hại tính mạng và tài sản Những kết quả đạt được đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển KT-XH của đất nước năm 2017.
Cùng với đó, Ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành việc sơ kết, đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực hết sức quan trọng cho phát triển bền vững đó là đất đai và môi trường; tổng kết đánh giá hai chiến lược lớn là khoáng sản và biển đảo, qua đó đã xác định những bất cập, rào cản, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để đưa 02 đạo luật quan trọng là Luật đất đai, Luật BVMT và ban hành chiến lược mới về khoáng sản và biển. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, tạo động lực cho một giai đoạn phát triển mới.
“Những thành tựu đạt được trong năm 2017 là kết quả của sự nỗ lực trong toàn ngành; sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp tích cực của các Bộ, Ban, ngành, cơ quan trung ương; sự quan tâm, quyết liệt của UBND các cấp. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Chính phủ; cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các Bộ, Ban, ngành, cơ quan trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt 63 Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, cảm ơn và biểu dương những nỗ lực phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong toàn ngành và mong rằng tinh thần này sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018.” – Bộ trưởng nói.
tk12
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhìn thẳng vào những tồn tại thách thức của ngành và gợi mở các đại biểu cùng thảo luận đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới như:
Một là, một số chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển.
Hai là, hiện nay toàn ngành và đất nước đang đối mặt với nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp; hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, để lấn chiếm, tranh chấp.
Ba là, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức quan trọng tuy nhiên việc điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông còn chậm; vấn đề bảo vệ tài nguyên nước chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn xảy ra ở một số nơi.
Bốn là, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; rác thải chưa trở thành tài nguyên; công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển.
Năm là, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường trong khi mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế. Ứng phó với BĐKH đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả.
Sáu là, tài nguyên biển chưa được điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển KT-XH của đất nước.
Về nhiệm vụ trọng tâm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, Quốc hội đặc biệt là Nghị quyết số 01 của Chính phủ đặt ra cho ngành những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cụ thể. Để đáp ứng được các mục tiêu đó, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, toàn ngành cần quán triệt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” nhằm tạo ra được chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.
“Sự nghiệp đổi mới còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển lớn mạnh và vững chắc của đất nước, khẳng định vị thế quan trọng của ngành TN&MT. Điều đó đòi hỏi mỗi công chức, viên chức, người lao động của ngành phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tôi mong rằng toàn ngành hãy chung sức, chung lòng, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, cụ thể hoá phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ vào mỗi lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ được giao” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
tk13
Hội nghị được nghe Thứ trưởng Trần Quý Kiên trình bày báo cáo tóm tắt kết quả đạt được của ngành tài nguyên môi trường trong năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018; Nghe Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đọc dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện Nghị quyết 01/2018/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh tới 10 nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, làm tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo.
Cũng tại Hội nghị đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành như : Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ, đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý khai thác khoáng sản ở địa phương…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã biểu dương, ghi nhận và và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2017. Công tác quản lý Tài nguyên và Môi trường đã có những chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng của trong hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước trong năm 2017.
Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thời kỳ 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 tiếp tục khẳng định Việt nam phải sớm trở thành một nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời, do quy mô nền kinh tế của ta còn nhỏ, nên để tránh nguy cơ tụt hậu, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nền kinh tế nhanh, nhưng phải bền vững.
“Vì vậy, chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bằng cách tăng đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế, khai thác các nguồn lực tài nguyên và môi trường; nhưng đồng thời phải giải quyết được tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; giữ được sự cân bằng trong mối quan hệ giữa ba trụ cột chính là phát triển kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường.“ – Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nói.
tk14
Trên cơ sở đó, Ngành tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện tốt các yêu cầu sau: (i) Trước hết phải tập trung quản lý có hiệu quả tài nguyên đất đai, chống lãng phí, thất thoát, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, từ lập quy hoạch, kế hoạch đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai. (ii) Quản lý chặt chẽ quá trình tài nguyên khoáng sản, vừa chống thất thoát, lãng phí, vừa đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến. (iii) Kiểm soát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường, cả chất thải rắn, nước thải, khí thải… không để xảy ra sự cố môi trường. (iv) Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm. Khắc phục có hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại. (v) Quản lý chặt chẽ, đi đôi với khai thác hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước. (vi) Có các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, tài nguyên biển. (vii) Có các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. (viii) Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, giúp cho công tác ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.
Trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các ý kiến đóng góp tại hội nghị, phát biểu kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2018 đặt ra cho ngành tài nguyên và môi trường rất nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy trong thời gian tới toàn ngành cần tiếp tục quyết liệt đổi mới, tạo chuyển biến toàn diện trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng sẽ được đưa vào Chương trình hành động của ngành, đặc biệt là cụ thể hoá phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ vào mỗi lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ được giao, đóng góp hiệu quả vào phục vụ phát triển bền vững đất nước.