Sáng 20/4, “số phận” 16 trạm cấp nước sạch vốn “nằm im” bấy lâu nay trên địa bàn nông thôn thành phố Hà Nội đã được định đoạt. Cùng với yêu cầu phải làm “sống lại” những công trình tiền tỷ dang dở để người dân nông thôn sớm có nước sạch, hàng chục tỷ đồng tiếp tục “lên đường” để đổ vào miệng những công trình đang khô khát.
Hơn 67 tỷ đồng đầu tư…nước sạch vẫn xa vời
Với tổng kinh phí phê duyệt là 90,397 tỷ đồng, kinh phí đã đầu tư xây dựng là 67,666 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia của Bộ NN&PTNT, ngân sách thành phố và khoảng 3,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, nhưng cả 16 công trình vẫn chưa thể cấp nước đầy đủ cho dân như dự định. Oái oăm là các công trình mới chỉ phục vụ nước sạch được cho vài hộ dân xung quanh trạm hay… UBND xã, trong khi mục tiêu ban đầu của dự án này là đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 100.000 người dân.
Theo kết quả kiểm tra của tổ kiểm tra liên ngành về thực trạng 16 trạm cấp nước sạch nông thôn chưa hoạt động trên địa bàn thành phố, về cơ bản các chủ đầu tư (UBND huyện hoặc xã) đã tổ chức thực hiện đúng Quyết định đầu tư song đầu tư không tập trung, dở dang vì vậy các hạng mục của công trình đều hoàn tất song chưa thể hoạt động.
Thêm vào đó, với cơ cấu đầu tư không hợp lý (ngân sách nhà nước 60%, dân đóng góp 40%), đa số các hộ dân không có khả năng đóng góp. Các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà đầu tư vào các trạm cấp nước này khi chẳng hộ dân nào chịu bỏ tiền ra để mua nước hàng tháng trong khi vẫn còn được tự khoan giếng, mua máy bơm, xây bể lọc..
Hiện tại, hầu hết các công trình đầu mối (nhà điều hành, bể lắng, bể chứa…) đều đang xuống cấp, thậm chí tại một số trạm ở thôn Đoan Lữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức), thôn Kim Tiên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) còn bị hư hỏng hoàn toàn, không có khả năng sửa chữa, cải tạo. Hệ thống đường ống trục chính bị hạn rỉ, hư hỏng toàn bộ. Một số công trình khác do không huy động được vốn góp của dân để lắp đặt mạng đồng hồ, chưa có hệ thống đường ống dịch vụ hoặc đang đầu tư xây dựng dở dang.
“Tái sinh” các công trình dang dở, tiền chảy tiếp như nước
Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tổng số 16 trạm cấp nước, cần tiếp tục cấp bổ sung 66 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện cho bẩy công trình do đầu tư dở dang, không đồng bộ từ năm 1997 đến nay.
Giao cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, cá nhân có đủ năng lực tiếp nhận, tiếp tục đầu tư ba công trình ở Kim Lan, Ninh Hiệp, Phù Đổng (Gia Lâm). Những công trình này đã được đầu tư nhiều lần nhưng do Ban Quản lý dự án huyện không có chuyên môn, nghiệp vụ trong việc giám sát thi công nên đến nay vẫn không thể cấp nước phục vụ nhân dân.
Còn hai công trình ở Xuân Nộn (Đông Anh) và Đoan Lữ (Mỹ Đức) được đầu tư từ năm 1996 với kinh phí ít ỏi, lại không khảo sát nhu cầu, nguồn nước nên người dân tẩy chay, không đấu nối… Đến nay hư hỏng nhiều, không đáp ứng yêu cầu khai thác nên Sở đề nghị tổ chức thanh lý, thu hồi tài sản.
Đối với bốn trạm cấp nước đã giao cho các DN đầu tư, thì chỉ có trạm cấp nước ở thị trấn Quốc Oai là hoạt động bình thường. Các trạm Dương Liễu (Hoài Đức), Phùng (Đan Phượng) và Chúc Sơn (Chương Mỹ) đang tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống trạm đầu mối và đường ống dịch vụ. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết lộ trình đưa các trạm này vào hoạt động thì UBND thành phố có biện pháp xử lý, thu hồi và chuyển chủ đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Duy Hùng khẳng định, “Thống nhất chủ trương tiếp tục nâng cấp, cải tạo, tu sửa, thậm chí là mở rộng để làm sống lại các dự án đã được đầu tư xây dựng, thực hiện lời hứa với HĐND và cử tri”. Tuy nhiên ông Hùng cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người thụ hưởng là doanh nghiệp và người dân. Theo đó, các doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ với qui trình và công nghệ đạt tiêu chuẩn để có nước sạch cho người dân, chứ không chỉ là nước hợp vệ sinh. Còn người dân cũng phải có trách nhiệm đóng góp một phần kinh phí vào việc xây dựng hạ tầng để nước sạch đến được từng nhà, không thể ỷ lại hết vào Nhà nước.
Ông Bùi Ngọc Tường (Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hùng Thành) lưu ý, đối với lĩnh vực phải “đầu tư tiền tỷ, thu tiền nghìn” nếu thành phố không nhanh chóng “cải tạo” thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi tiếp nhận các dự án cấp nước thì khó có thể xã hội hóa được việc đầu tư, khai thác và sử dụng các trạm cấp nước này.
Theo Nhân dân