Giải quyết vấn đề ô nhiễm ao, hồ nội thành: Không nên lần lữa mãi!

Tình trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra cả nông thôn lẫn thành thị, từ cơ sở sản xuất công nghiệp riêng rẽ, các cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ đến những khu dân cư sầm uất. Từ những ao nhỏ, hồ lớn đến sông dài đang “kêu cứu” trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh và lưu vực sông. Xin được đề cập đến một trường hợp ngay trong nội đô Hà Nội.

“Ao tù” ô nhiễm trầm trọng giữa khu dân cư

Ao Lò, tại tổ dân phố 31, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, (do HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Dịch Vọng quản lý) đã được gọi là “ao tù”. Vì, nó nằm giữa khu dân cư sầm uất, chẳng có lối thoát nước riêng. Cái ao rộng hàng nghìn mét vuông mặt nước (trước đây), hiện còn khoảng 1.500m2 mặt nước (sau khi bị lấn chiếm trong nhiều năm) đã không thể nhìn thấy mặt nước, do bèo Tây chiếm hết bề mặt, ven ao thì đủ thứ rác thải, chất thành đống. Cũng từ sự thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số người dân xung quanh, “vô tư” vứt rác thải sinh hoạt xuống ao, nên nó đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm nặng.

Bà Phạm Thị Bún – Tổ trưởng Tổ dân phố 31 (phường Quan Hoa) bức xúc nói: “Đến bây giờ, chúng tôi quá vất vả về cái chuyện vệ sinh môi trường ở đây. Chị em phụ nữ ở tổ chúng tôi tự nguyện dọn vệ sinh liên tục, nhưng cũng không cải thiện được tình trạng ô nhiễm từ rác thải và đủ thứ khác. Muỗi, chuột… nhiều không thể tả được”.

Một số người dân ở đây phản ánh, vào mùa Hè, những hộ dân xung quanh ao đều phải đóng kín cửa, những ngày mưa nước bẩn lênh láng cả khu. “Nhà tôi nước bẩn cũng tràn cả vào sân, những hộ khu văn công bên cạnh còn khổ hơn, không ngăn được nước bẩn tràn vào nhà” – bà Bún cho hay.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lần tiếp xúc cử tri, bà con và phường cũng đã phản ánh tới chính quyền các cấp, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. Và HTX Dịch Vọng cũng đã có văn bản xin được lấp ao Lò, nhưng chưa được chấp thuận. “Chúng tôi rất mong muốn được sớm lấp ao, để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực. Mỗi khi mưa to, nước ao dâng lên, bà con ở đây rất sợ, nhất là bệnh dịch truyền nhiễm” – bà Bún nêu nguyện vọng của bà con dân phố.

Theo quy hoạch, ao Lò nằm trong phạm vi dự án mở một con đường từ đường Nguyễn Văn Huyên đi qua, vì thế, nhiều hộ dân ở đây và cả chính quyền địa phương đều mong muốn dự án sớm triển khai ngày nào, dân được “nhờ” ngày đó. Nhưng vì nhiều lý do, nên dự án chưa được triển khai, người dân vẫn phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường.

Chung tay và sớm hành động

Ao Lò chỉ là một trong rất nhiều ao trong nội thành đangphải đối diện với tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Theo kết quả công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR) về môi trường của 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của các quận khu vực nội thành Hà Nội chỉ có 6 hồ đạt yêu cầu chất lượng ở tất cả các chỉ tiêu nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 5%, phần lớn các ao hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ, nồng độ ôxy hòa tan dưới mức tiêu chuẩn cho phép. Hơn 80% hàng lang bờ bị ô nhiễm, và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thanh bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt.

Đại diện CECR chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện đổ xuống hồ. Ngoài ra, hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao hồ… cũng làm giảm đáng kể diện tích ao hồ, khiến nhiều hồ đang dần biến mất. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, ngoài các cộng đồng dân cư sống xung quanh khu vực ao, hồ, các cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu cũng cần tham gia hỗ trợ bảo vệ ao, hồ ở Hà Nội.

Về vấn đề này, theo lãnh đạo UBND TP, xử lý ô nhiễm môi trường ở các ao hồ là một bài toán khó, nhưng không có nghĩa khó thì không làm. Thành phố sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức, nhân dân để trong tương lai, ao, hồ ở Hà Nội sẽ trở nên trong hơn, sạch hơn.


Điều dễ nhận thấy nhất, những hồ đã được cải tạo trong thời gian qua (dù còn một số bất cập cần tiếp tục giải quyết), song đã phát huy hiệu quả chống lấn chiếm, cải thiện cảnh quan môi trường, tăng khả năng điều hòa nước…

 

 

(Theo Monre.gov.vn)