Dùng bèo để loại bỏ lân trong nước thải chăn nuôi

Chỉ cần dùng bèo tấm (bèo cám, tên khoa học là wolffia arrhiza) thả nuôi trong môi trường nước thải chăn nuôi hay nước thải từ các nhà máy thủy sản có thể giúp loại bỏ lân – “kẻ thù” gây phì dưỡng nguồn nước trong nước thải.

Đây là kết quả khảo nghiệm của nhóm học sinh gồm: Đinh Quốc Bảo; Huỳnh Lê; Nguyễn Phúc Huy thuộc trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn (Sóc Trăng).  

Đinh Quốc Bảo, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, ô nhiễm nguồn nước từ các khu dân cư, các chất hóa học từ sản xuất nông nghiệp hay chăn nuôi… chứa hàm lượng lân (phốt phat (PO4)3-, đạm… rất cao và chưa được xử lý hay xử lý chưa triệt để trước khi đưa vào môi trường nước. Đây là nguồn dinh dưỡng gây nên hiện tượng phì dưỡng ở các thủy vực.

Khi bị phì dưỡng, nguồn nước sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của con người với nhiều bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, gây ngộ độc thực phẩm,… Do đó, loại bỏ các chất thải trước khi đưa vào môi trường bên ngoài bằng cách loại bỏ chất dinh dưỡng trong môi trường sống của chúng là cần thiết.

Với suy nghĩ này, các em học sinh dù đang học lớp 11 nhưng đã nhóm nhau lại, đi khảo sát tại 30 hộ chăn nuôi ngẫu nhiên tại hai xã Xuân Hòa và xã An Lạc Thôn. Kết quả khảo sát cho thấy, các hộ này chủ yếu sử dụng nước sông để ăn uống. Các thí nghiệm cũng được thực hiện với việc thả bèo cám vào các mẫu nước có các lượng lân khác nhau cho thấy, với những mẫu nước có hàm lượng lân cao, bèo cám phát triển tốt.


Cũng từ thí nghiệm với bèo cám, nhóm khảo nghiệm cho đất phèn nung vào nước thải có hàm lượng lân cao. Sau một thời gian theo dõi thấy bèo phát triển chậm lại, kết quả xét nghiệm nước cho thấy lượng lân giảm đi. Như vậy, đất phèn nung cũng giúp loại bỏ lân trong nước thải chăn nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên Trường Trung học Phổ thông An Lạc Thôn cho biết, với kết quả khảo nghiệm trên, nhóm học sinh mới đây đã được trao giải khuyến khích cuộc thi quốc gia về “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”. Với cách làm này, không chỉ người dân Sóc Trăng mà người dân ở nhiều địa phương có nguồn nước ô nhiễm cũng có thể ứng dụng cho mình.

 

(Theo ĐV)