Cho một nguồn suối trong lành

Làm sao để giữ sạch nguồn suối trung tâm là tâm nguyện của rất nhiều nông dân đang sống dọc ven những nguồn nước
Hồ Xuân Hương, trái tim của Đà Lạt là kết quả của những dòng suối nhỏ đổ từ thượng nguồn tạo nên vẻ mơ mộng cho thành phố, nhưng việc canh tác rau, hoa ven các con suối thượng nguồn từ nhiều năm nay khiến hồ trở nên ô nhiễm bởi lượng rác thải nông nghiệp trút xuống.

Ông Ngô Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) thành phố Đà Lạt cho biết: “Hồ Xuân Hương được tạo nên do rất nhiều con suối nhỏ đổ về từ các nguồn, trong đó  quan trọng nhất là suối từ hồ Than Thở và hồ Chiến Thắng. Dọc các suối này, người dân canh tác rất nhiều và việc phụ phẩm nông nghiệp được cho thẳng xuống lòng suối khá phổ biến. Nhìn cảnh hồ Xuân Hương sau mỗi trận mưa lớn ngập toàn bèo, vỉ xốp, gốc rau, thậm chí chai lọ thuốc bảo vệ thực vật chúng tôi rất buồn. Vì vậy, HND thành phố triển khai hoạt động vận động hội viên các phường ở phía thượng nguồn không bỏ phế phẩm nông nghiệp để bảo vệ nguồn nước”.
Dọc các nguồn suối chính đổ về hồ Xuân Hương thuộc địa bàn của ba phường, đó là phường 8, phường 9 và phường 12  (Đà Lạt). Số đất nông nghiệp ven suối đang được canh tác lên tới con số hàng trăm ha, trong đó cây trồng chính là rau và hoa. Những người nông dân vẫn chưa có thói quen xử lý chất phế thải đúng kỹ thuật nên thường “tiện đâu đổ đó” và chuyện cho xuống suối trôi đi rất thường thấy.

Trong đó, ảnh hưởng xấu nhất là các chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bởi loại rác này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm hóa học, có hại cho môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, Hội Nông dân các phường trên tích cực thành lập các tổ tự quản, động viên hội viên thu gom rác đúng nơi quy định, xử lý rác thải nông nghiệp thành phần hữu cơ… để giảm thiểu nguồn ô nhiễm. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho nông dân dễ dàng trong thu gom rác thải, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã xây dựng dọc các khu đất canh tác ven suối hàng chục hố chứa rác thải. Và kết quả ban đầu đã cho thấy dấu hiệu tốt dần lên từ ý thức tới hành động của bà con nông dân.

Phường 9 Đà Lạt có khoảng 50 ha đất canh tác rau dọc theo hạ lưu hồ Than Thở, tập trung tại các khu phố Chi Lăng, Hồ Xuân Hương và Lữ Gia. Trên diện tích đất đó địa phương xây dựng gần 10 hố thu gom rác tập trung để người dân bỏ rác thải vào. Hội Nông dân thành lập 3 tổ tự quản, mỗi tổ gồm 14 hội viên hoạt động tự nguyện, chuyên hàng tuần xử lý rác thải bằng phương pháp đốt tại chỗ nếu là túi nilon hoặc tập kết ra xe chở rác nếu là chai lọ thủy tinh. Các phế phẩm nông nghiệp khác như rau thải, bà con đã xử lý tại chỗ bằng cách ủ thành phần hữu cơ tại vườn.

Anh Phan Văn Việt, Chủ tịch HND phường cho biết: “Tổ tự quản hoạt động hoàn toàn tự nguyện, là ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường của hội viên nông dân. Ngoài chuyện thu gom rác thải trên địa bàn, chúng tôi cũng phát quang, diệt cỏ, khơi dòng chảy để suối hạ lưu hồ Than Thở được thoáng đãng, không bít dòng như trước kia”. Một trong những người tích cực nhất là chị Trần Thị Mai Lan, tổ trưởng tổ tự quản khu phố Chi Lăng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. Hàng tuần, chị và anh em đều tiến hành dọn dẹp vệ sinh, động viên hội viên bỏ rác đúng nơi quy định. Không những thế, mỗi khi rác thải từ phía thượng nguồn trôi xuống địa bàn, tổ tự quản lại làm nhiệm vụ gom rác thải, vớt lên bờ chờ xử lý, giảm thải rất nhiều cho hồ Xuân Hương. Ở Phường 7, phường 12 tình hình cũng tương tự với các tổ nông dân hoạt động trên tinh thần tự nguyện.

Tuy nhiên, tình hình có khó khăn hơn ở địa bàn phường 12 do đây là địa bàn trồng hoa cúc, gốc hoa sau khi thu hoạch rất khó tái chế nên bà con vẫn giữ thói quen tấp vào bờ suối, khi mưa to chảy xuôi theo dòng xuống ha nguồn. Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch HND phường 12 cũng khẳng định đây là vấn đề Hội đang tìm cách tháo gỡ. Ông Dinh cũng cho biết việc vận động nông dân xử lý rác thải đúng quy định là chuyện lâu dài, phải làm thường xuyên và liên tục chứ không chỉ là phong trào một lúc

Thành phố Đà Lạt là thành phố của rau hoa, làm sao để những cây trồng đặc sản ấy không gây ô nhiễm nguồn nước Xuân Hương là vấn đề vô cùng quan trọng. Và hy vọng rằng, với sự động viên lâu dài và liên tục, những người nông dân sẽ hình thành được ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường sống chung cho cả cộng đồng.

 

 

 

(Theo DWRM)