Bàn giao mô hình xử lý khí thải, nước thải nguy hại tại làng nghề Vân Chàng, làng nghề Đồng Côi

(TN&MT) – Ngày 17/12, Cục kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) đã bàn giao mô hình xử lý khí thải, nước thải nguy hại quy mô hộ gia đình tại làng nghề Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định).

Mô hình xử lý khí thải và nước thải nguy hại do Công ty cổ phần Công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) thiết kế, lắp đặt theo hợp đồng với Cục kiểm soát ô nhiễm.

 Qua khảo sát, Công ty cổ phần Công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa đã thiết kế mô hình xử lý  hỗn hợp khí thải chứa hơi kiềm, hơi axít phát sinh tại các vị trí xử lý bề mặt nhôm bằng một hệ thống thu gom vào thiết bị rửa khí. Sau đó thực thực hiện quá trình tách bụi và xử lý các thành phần gây ô nhiễm môi trường, khí thải sau xử lý đạt chuẩn được thải ra môi trường bằng ống khói. Hơi dung môi và dung dịch xử lý thu tại đáy thiết bị được tách bùn và bổ sung hóa chất theo định kỳ.

Để xử lý nước thải nguy hại có chứa kiềm, axit phát sinh trong qú trình xử lý bề mặt sản phẩm nhôm gia dụng, Công ty cổ phần công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa còn lắp đặt thiết bị xử lý nước thải đồng bộ với thiết bị xử lý khí tại gia đình ông Vũ Nam Xuân. Thiết bị này gồm bể xử lý 3 ngăn để thu gom  nước thải mang tính axít, khử crôm 6 (ngăn 1), nước có tính kiềm (ngăn 2) . Sau đó nước thải được xử lý các thành phần gây ô nhiễm tại ngăn thứ 3, nước sau xử lý được chuyển sang bể chứa để tái sử dụng hoặc bơm tuần hoàn vào thiết bị xử lý khí thải. Bùn thải sẽ được thu gom, xử lý theo định kỳ.

Cùng thời điểm này, Cục Kiểm soát ô nhiễm còn bàn giao mô hình thử nghiệm xử lý nước thải mạ tại làng nghề Đồng Côi (thị trấn Nam Giang). Mô hình này cũng do Công ty cổ phần Công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa thực hiện, lắp đạt tại gia đình ông Nguyễn Đại Bắc. Dòng nước thải chứa kiềm và dòng nước thải chứa axít và crom được dẫn vào 2 bể khác nhau. Bể chứa axit Crôm, xử dụng lớp phoi xỉ sắt  để khử crôm 6 thành crôm 3. Nước thải sau khi qua hai bể chứa được tập trung vào bể điều hòa để ổn định và điều hòa lưu lượng nước thải. Khi đưa sang thiết bị hợp khối, nước thải được bổ sung dung dịch kiềm đề điều chỉnh độ pH và kết tủa kim loại có trong nước thải; sau đó nước thải sẽ tự chảy sang ngăn lắng để tách bùn. Nước thải sau khi thu về bể chứa được bơm tiếp sang thiết bị lọc nổi để giữ lại các chất hữu cơ hòa tan, các chất màu còn sót trong dòng thải;nước thải sau xử lý đạt QCVN 24 : 2009/BTNMT (loại B) được thu vào bồn chứa nước sạch để sử dụng lại. Bùn thải lắng tại đáy thiết bị hợp khối được hút sang sân phơi bùn.

Mô hình thí điểm xử lý khí thải và nước thải nguy tại trên được lắp đặt tại hộ gia đình ông Vũ Nam Xuân thôn Vân Chàng và nhà ông Nguyễn Đại Bắc làng nghề Đồng Côi đang vận hành cho thấy hiệu quả xử lý khí thải và nước thải đạt Quy chuẩn Việt Nam; hoạt động tin cậy, thích ứng với sự dao động về lưu lượng, tiêu thụ hóa chất, điện năng ít, tái sử dụng được chất thải.

 

 

 

(Theo www.tainguyenmoitruong.com.vn)