5 tỉnh, thành phố đồng hành “giải cứu” các dòng sông ô nhiễm

Thứ trưởng kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Hội nghị
Sáng 3/12/2010, tại TP. Phủ Lý (Hà Nam), Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy đã tổ chức Hội nghị lần thứ II nhằm đánh giá, kiểm điểm lại những kết quả đạt được trong việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2010 và các giải pháp thực hiện giai đoạn 2015 – 2020.

Tham dự có lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành liên quan và 5 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông: Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam.

Đánh giá các kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến ghi nhận các tỉnh, thành phố, trên lưu vực sông đã bước đầu triển khai các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Đề án; đã ban hành một số cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn và quy định tạo được hành lang pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường lưu vực sông. Cùng với đó, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN và người dân đã có nhiều tiến bộ. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2008 – 2010 của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy, hơn nữa, chất lượng môi trường nước trên lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện đáng kể”, Thứ trưởng nói.

Theo kết quả điều tra, hàng ngày, lưu vực sông Nhuệ – Đáy đang phải tiếp nhận khoảng 610.000m3 nước thải sinh hoạt, trong đó, TP. Hà Nội  chiếm 48,8% tổng các nguồn thải; Nam Định chiếm 17,8%; Ninh Bình chiếm 14%; Hà Nam chiếm 15% và Hòa Bình 4,4%. Kết quả quan trắc cho thấy, lượng ô nhiễm chất hữu cơ của nước thải rất cao đã làm chất lượng nước sông Nhuệ và một đoạn của sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là vào mùa khô. Ngoài ra, hàng năm, lưu vực sông Nhuệ – Đáy còn tiếp nhận khoảng 232.000 nghìn m3 nước thải công nghiệp, đáng chú ý, TP. Hà Nội có lượng thải lớn nhất chiếm 76%. Nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông hiện nay là do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận cá nhân, chủ doanh nghiệp chưa cao.

tt23
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Trước thực trạng trên, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai Đề án và thực hiện thanh tra đối với 33 cơ sở và 23 KCN trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố nằm trên lưu vực sông. Qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, mặc dù ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở, KCN đã nâng cao, tỷ lệ các cơ sở đã xây dựng hệ thống nước thải năm 2010 cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ các cơ sở xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn còn cao chiếm trên 50%.

tt24
Toàn cảnh Hội nghị 

Giai đoạn tiếp theo của Đề án, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban sông Nhuệ – Đáy Nguyễn Thế Thảo đề nghị, Ủy ban sông Nhuệ – Đáy cần tiếp tục bám sát các kế hoạch hành động của Đề án tổng thể, các kế hoạch cụ thể của từng địa phương, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện, huy động nguồn lực, chú trọng khắc phục ô nhiễm nguồn nước, các khu, cụm CN, xác định chỉ giới cắm mốc hàng lang trên lưu vực để tăng cường giám sát, quản lý về đất đai, trật tự xây dựng. Cùng với đó, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền có chiều sâu, tăng cường thanh tra kiểm tra, chế tài xử phạt…
(Theo Monre.gov.vn)