Tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước”, hướng đến thành lập nhóm Liên ngành cấp cao trong lĩnh vực nước nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng như hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà và ông Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc chủ trì buổi Tọa đàm. Cùng dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Viện Quy hoạch Thủy lợi; Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng); cùng đại diện các chuyên gia, nhà khoa học và các cán bộ chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, Chương trình Khan hiếm nước Châu Á Thái Bình Dương (WSP) đã được khởi động tại các quốc gia Việt Nam, Thái Lan và In đô nê xia nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nước. Trong khuôn khổ Chương trình này, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) sẽ phối hợp với FAO tổ chức chuỗi các sự kiện và hoạt động trong năm 2023 và 2024. Đây là sự kiện đầu tiên của Chương trình Khan hiếm nước Châu Á Thái Bình Dương (WSP) tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm

Chương trình Khan hiếm nước Châu Á Thái Bình Dương được FAO xây dựng với mục đích tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước tại khu vực; xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với vấn đề khan hiếm nước; tăng cường năng lực thông qua các khóa tập huấn về kiểm kê nước. Từ đó, góp phần giải quyết các thách thức liên quan đến tài nguyên nước, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và của Khu vực.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cũng chia sẻ,  với vai trò là cơ quan đầu mối phối hợp và xây dựng Chương trình nhằm tăng cường năng lực quản lý bền vững tài nguyên nước, thiết lập cơ chế hỗ trợ liên vùng để quản lý vấn đề khan hiếm nước ở Việt Nam và khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Cục Quản lý tài nguyên nước rất vui mừng khi nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị liên quan đối với Chương trình Khan hiếm nước Châu Á Thái Bình Dương tại Việt Nam.

Ông Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc phát biểu tại buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các cơ quan quản lý, chuyên gia FAO trình bày các tham luận về: Hiện trạng quản lý tài nguyên nước Việt Nam; giới thiệu Chương trình Khan hiếm nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với khan hiếm nước; các phương pháp kiểm kê tài nguyên nước trên thế giới; các phương pháp kiểm kê tài nguyên nước áp dụng tại Việt Nam.

Chia sẻ về hiện trạng tài nguyên nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng phòng lưu vực sông Nam Trung Bộ (Cục Quản lý tài nguyên nước) cho biết,  tổng lượng tài nguyên nước mặt ở Việt Nam vào khoảng 844 tỷ m3/năm (lượng nước nội sinh trong nước chiếm khoảng 40% và ngoại sinh chiếm khoảng 60%) và phân bố không đều theo không gian và thời gian. Bên cạnh đó, trữ lượng tiềm năng của nước dưới đất khá lớn với tổng tài nguyên nước dưới đất dự báo khoảng 91,5 tỷ m3/năm (nước nhạt khoảng 69,1 tỷ m3/năm, nước mặn khoảng 22,4 tỷ m3/năm), trong đó tổng trữ lượng nước nhạt có thể khai thác khoảng 22,3 tỷ m3/năm.

Tuy nhiên, tài nguyên nước của Việt Nam cũng đang đối mặt với các thách thức lớn như: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài (gần 2/3 lượng nước của nước ta là từ nước ngoài chảy vào; việc gia tăng việc khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn gây suy giảm nguồn nước chảy vào  Việt Nam sẽ khó chủ động được về nguồn nước); nguồn nước phân bố không đều giữa các vùng, các lưu vực sông (40% lượng nước nằm từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; 60% lượng nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long); tài nguyên nước phân bố không đều theo thời gian trong năm và không đều giữa các năm (trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80% lượng nước cả năm; trong 7-9 tháng mùa kiệt chỉ có 20-30% lượng nước cả năm; Phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn (trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70-75% lượng nước trung bình); nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô; một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức; tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm; rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy; biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước; …


Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng phòng lưu vực sông Nam Trung Bộ trình bày tham luận về hiện trạng quản lý tài nguyên nước Việt Nam

Chia sẻ về một số kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước,  bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, cho đến nay, hệ thống thể chế, chính sách đã tương đối đầy đủ, phát huy tính hiệu quả, hiệu lực ở cả Trung ương và địa phương. Đặc biệt, sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật (trong đó có 52 văn bản là nghị định, thông tư hướng dẫn  và 16 quyết định của Thủ tướng chính phủ về quy trình vận hành; 02 quyết định của TTg (về kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và quy định chức năng của Hội đồng quốc gia TNN). Ở địa phương đã ban hành 445 văn bản quy định chi tiết để triển khai thi hành Luật ở địa phương.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được tăng cường, đẩy mạnh trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật và thực thi ở cả Trung ương và địa phương, trong đó đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc giám sát tự động, trực tuyến phục vụ ra quyết định và quản lý ở Trung ương và địa phương thông qua công cụ cấp phép, thanh tra, kiểm tra và hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước. Cùng với đó, việc điều hoà, phân bổ tài nguyên nước, yêu cầu về dòng chảy tối thiểu bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã từng bước được hoàn thiện và góp phần đáng kể trong công tác quản lý, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; Công tác bảo vệ các nguồn nước quan trọng, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông và đảm bảo lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ được quan tâm, bước đầu đã có những kết quả tích cực;…

Để có những giải pháp để giải quyết các thách thức về tài nguyên nước nêu trên, theo đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương; đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; hướng tới quản lý TNN trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực; đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư công. Đồng thời, bổ sung nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển TNN, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.

“Cùng với đó, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế  thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước” – Bà Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ.

Đại diện FAO Giới thiệu Chương trình Khan hiếm nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Giới thiệu Chương trình Khan hiếm nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đại diện FAO cho biết, Chương trình bao gồm 4 nội dung chính  như sau: (1) Nâng cao năng lực triển khai thực công tác kiểm kê tài nguyên nước thường xuyên để nắm được nhu cầu và tình hình sử dụng nước; (2) Xây dựng các khung và quy trình phân bổ nước dựa trên kết quả kiểm kê tài nguyên nước, nhằm phân bổ hợp lý nguồn nước cho các nhu cầu khác nhau; (3) Làm việc với nông dân và đơn vị quản lý tài nguyên nước để giải quyết tình trạng khan hiếm nước thông qua các can thiệp nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nước; (4) Thiết lập nền tảng hợp tác khu vực để thu thập và chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý tài nguyên nước và từ việc triển khai Chương trình khan hiếm nước.
Về xây dựng kế hoạch hành động khan hiếm nước tại Việt Nam, TS. Trịnh Quang Toàn – Đại diện FAO cho biết, sự khan hiếm nước phát sinh khi nhu cầu vượt quá nguồn cung hiện có, cho dù nguồn cung bị hạn chế do quy hoạch không đồng bộ và cơ sở hạ tầng thủy lực không đầy đủ hoặc do nguồn nước sẵn có không thể đáp ứng. Việt Nam gặp phải tất cả các loại tình trạng khan hiếm nước: quá ít nước, nguồn nước quá thay đổi, sử dụng quá mức và chất lượng nước kém.

Trịnh Quang Toàn chia sẻ xây dựng kế hoạch hành động khan hiếm nước tại Việt Nam

Chương trình Khan hiếm nước có mục tiêu chính là hỗ trợ các quốc gia phát triển năng lực thực tế về tính toán nước, bước đầu tạo ra các khuôn khổ và quy trình phân bổ nước cũng như thiết lập Nền tảng hợp tác khu vực (RCP) để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và đổi mới trong quản trị nước. Trong đó, các kết quả chính của Chương trình bao gồm: Thành lập nhóm liên ngành cấp cao (NMT) nhằm  quản lý khan hiếm nước thống nhất và mạch lạc; Tổ chức các cuộc họp tham vấn cán bộ kỹ thuật của các đơn vị để xây dựng kế hoạch hành động ứng phó Khan hiếm nước; tổ chức các hội thảo tham vấn để xây dựng lộ trình kiểm kê nước; Chương trình WSP sẽ đưa ra các khóa tập huấn phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Đại diện Lãnh đạo các đơn vị tọa đàm nhóm đa ngành cấp cao về chủ đề “Tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước”

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng nghe ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; ông Đinh Thanh Mừng, đại diện Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT); PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT); ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tọa đàm nhóm đa ngành cấp cao về chủ đề “Tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước”. Trong đó, tập trung trao đổi, thảo luận các ý kiến về vấn đề quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, ứng phó với vấn đề khan hiếm nước, qua đó đóng góp vào các kế hoạch hành động ứng phó với tình hình khan hiếm nước nói riêng và quản lý tổng hợp tài nguyên nước nói chung, hướng đến tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia.


Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Trên cơ sở nội dung Tọa đàm và các tham luận được trình bày, các đại biểu đã thảo luận,  chia sẻ và trao đổi các nội dung, thông tin liên quan tới Chương trình, sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước tại khu vực, đồng thời, xây dựng phương pháp và các đề xuất để hạch toán tài nguyên nước, hỗ trợ bài toán điều hòa phân bổ nguồn nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho các ngành sử dụng, phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp với bảo vệ tài nguyên và môi trường bền vững tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm

Nguồn: dwrm.gov.vn