Hàng tỷ người trên toàn thế giới đang không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do khan hiếm nước bởi xung đột và biến đổi khí hậu gây ra. Diễn đàn Chính trị cấp cao (HLPF) vừa thảo luận về vai trò chính của nước trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Phát triển “nền kinh tế mới về nước”
Ô nhiễm nước đặt ra một thách thức đáng kể đối với sức khỏe con người và môi trường ở nhiều quốc gia. Với khoảng 2,2 tỷ người thiếu “nước uống được quản lý an toàn”, 3,5 tỷ người không được tiếp cận hệ thống vệ sinh an toàn và 2 tỷ người không có các dịch vụ vệ sinh cơ bản vào năm 2022, thế giới đang tiến quá chậm để đạt được SDG 6 nhằm đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản về nước.
Theo Cục Các vấn đề kinh tế và xã hội của Ban thư ký Liên hợp quốc (DESA), việc đạt được mục tiêu tất cả mọi người trên toàn cầu có thể tiếp cận với nước vào năm 2030 đòi hỏi tiến độ nhanh hơn nhiều. Cần phải tăng tiến độ gấp 6 lần trong việc cung cấp nước uống, tăng gấp 5 lần cho vệ sinh và tăng gấp 3 lần cho các dịch vụ vệ sinh để đáp ứng các mục tiêu, đồng thời cần tăng tốc khẩn cấp ở 107 quốc gia.
Bé gái 6 tuổi uống nước từ máy bơm tay công cộng ở Pakistan. Ảnh: UNICEF
“Nền kinh tế mới về nước” là vấn đề đã trở thành tâm điểm vào đầu năm nay tại Hội nghị về Nước đầu tiên của Liên hợp quốc. Phát biểu tại Diễn đàn Chính trị cấp cao, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi – người dẫn đầu Hội nghị về Nước đã kêu gọi thúc đẩy việc coi nguồn nước như một quyền cơ bản của con người.
Ông kêu gọi phát triển một “nền kinh tế mới về nước” dựa trên những đổi mới và thiết lập mạng lưới giáo dục về nước toàn cầu để xây dựng năng lực và hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
Sớm công bố Đặc phái viên về Nước của Liên hợp quốc
Ông Korosi cũng nhắc lại tại Hội nghị về Nước, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết hướng tới một Chương trình Hành động vì Nước đầy cảm hứng, hợp tác, xuyên biên giới và mang tính biến đổi, với 300 tỷ USD có tiềm năng mở ra ít nhất 1 nghìn tỷ USD cho mục đích này.
Nước thường trở thành vấn đề căng thẳng giữa các quốc gia. Chỉ 32 trong số 153 quốc gia có chung sông, hồ và tầng chứa nước với hơn 90% diện tích nước nằm trong các thỏa thuận hoạt động quốc tế. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết của các thỏa thuận xuyên biên giới có tính chất bao trùm và toàn diện, dựa trên Công ước về Nước của Liên hợp quốc, để hỗ trợ các quốc gia trong tất cả các khu vực.
Ông Korosi cho biết: “Chúng ta cần cải cách cấu trúc thể chế. Chúng ta cần một hội đồng gồm các cơ quan của Liên hợp quốc, một Đặc phái viên về Nước của Liên hợp quốc để lãnh đạo hội đồng, dưới sự hỗ trợ của Ủy Ban Liên hợp quốc về Nước và một ủy ban khoa học”.
Phát biểu tại Diễn đàn Chính trị cấp cao, các đại biểu mong muốn Tổng Thư ký Liên hợp quốc sớm công bố Đặc phái viên về Nước với nhiệm vụ tăng cường quản trị nước toàn cầu và nâng cao tầm nhìn về nước như một phần quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế.
Đánh giá tiến độ hướng tới SDG 6, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã thảo luận về các chủ đề, trong đó có việc xây dựng chính sách tổng hợp về nước và khí hậu ở cấp quốc gia và toàn cầu vào năm 2030 và thiết lập hệ thống thông tin nước toàn cầu.
“Chúng ta biết phải làm gì. Chúng ta cũng biết cách để làm. Điều còn thiếu bây giờ là hành động thực tế”, quan chức hàng đầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn