Nước ngọt: Nguồn tài nguyên đang bị tranh giành

song-me-congTrên cơ sở các kết quả nghiên cứu và dự báo, các nhà khí tượng thế giới đã cảnh báo về việc nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước do các dòng sông lớn trên thế giới đang cạn dần với tốc độ đáng lo ngại.
Không phải ngẫu nhiên mà LHQ đặt 2013 là năm của “Hợp tác vì nước”. Ở châu Á, để bảo đảm nhu cầu của nền nông nghiệp và năng lượng, Trung Quốc xây dựng nhiều đập lớn trên dòng sông Mekong. Theo nhiều chuyên gia, đến mùa khô hạn, Trung Quốc có thể hút đến 50% lượng nước con sông lớn nhất vùng Đông Nam Á này.

Tại Trung Cận Đông, Syria và Iraq cùng đang lo lắng bị Thổ Nhĩ Kỳ cướp đi nguồn nước ngọt quý giá trước các dự án xây dựng đập thủy điện của Ankara trên thượng nguồn hai con sông Tigre và Euphrate. Nhìn sang Bắc Mỹ, khúc sông Rio Grande chảy qua Mexico bị đe dọa cạn kiệt. Tranh chấp về việc sử dụng nước của con sông Nile tại châu Phi giữa 11 quốc gia ngày càng trở thành một hồ sơ nóng bỏng.  

Lưu vực các con sông xuyên biên giới chiếm 46% bề mặt Trái đất, trải rộng trên lãnh thổ 148 quốc gia. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác chặt chẽ ở cấp quốc tế. Trong khi đó, luật pháp quốc tế chưa thể điều chỉnh tất cả các vấn đề và chưa có câu trả lời phải làm thế nào để chúng ta chung sống với nhau trong các lưu vực sông, hồ. Các tài nguyên nước dưới đất không biết biên giới quốc gia. Phải làm thế nào để sử dụng hợp lý? Hy vọng rằng, trong tương lai gần, hoạt động tích cực của các nhà khoa học, các chuyên viên quản lý nước, các chính trị gia và nhà ngoại giao, nhằm thông qua những quyết định có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nước ở lưu vực sông xuyên biên giới.

Tổ chức WWF đã đưa ra lời cảnh báo khối băng tuyết trên dãy Himalaya, vốn là nguồn nước cho 7 con sông lớn của châu Á (sông Mekong, Salween, Dương Tử, Hoàng Hà, sông Hằng, Indus và Brahmaputra), do hiện tượng hâm nóng toàn cầu, nay đang bị mòn dần với vận tốc từ 10 tới 15 mét/năm, do gia tăng tốc độ tuyết tan, với hậu quả ngắn hạn là làm tăng lưu lượng nước các dòng sông. Nhưng theo Jennifer Morgan, Giám đốc Chương trình biến đổi khí hậu toàn cầu (Global Climate Change Programme), chỉ vài thập niên sau, tình hình sẽ đảo ngược với mực nước các con sông, trong đó có con sông Mekong, sẽ xuống rất thấp.

Hiện tại, mới chỉ có 29 trên tổng số 103 quốc gia trên thế giới phê chuẩn Công ước LHQ về việc sử dụng nguồn nước ngọt, do vậy văn bản này dù đã ra đời từ năm 1997 vẫn chưa chính thức có hiệu lực. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên không phê chuẩn Công ước quốc tế về nước ngọt khi biết rằng Công ước LHQ về nước ngọt quy định các quốc gia ở thượng nguồn phải quản lý một cách chừng mực và phải chia sẻ với các nước ở hạ nguồn con sông tài sản thiên nhiên quý giá đó.

Từ cuối 2010, LHQ đã khẳng định rằng đến năm 2015, sẽ có đến 95% dân số trên địa cầu được sử dụng nước ngọt. Thực tế không hẳn là như vậy vì theo thẩm định của các chuyên gia, hiện tại hãy còn 1,1 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch. Còn căn cứ vào các số liệu được Diễn đàn Quốc tế về Nước cung cấp vào năm ngoái, hiện còn 4 tỷ người trên Trái đất không có nước ngọt để dùng 24/24 giờ và có tới 3 tỷ người không có máy nước trong nhà. Nước bẩn là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật và là khiến có tới 4.000 trẻ em tử vong mỗi ngày.

Theo dự báo của LHQ, đến năm 2020 nhu cầu về nước ngọt để phục vụ cho ngành công nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại; nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng thêm 130%; 40% trên tổng số 9 tỷ con người sẽ sống ở những vùng bị thiếu nước. Nếu chúng ta nhìn vào hai quốc gia đông dân nhất hành tinh là Trung Quốc và Ấn Độ, LHQ cảnh báo, sông ngòi Trung Quốc ngày càng ô nhiễm; hơn 1/4 nguồn cung cấp nước không bảo đảm chất lượng. Còn tại Ấn Độ, không một thành phố nào hay một ngôi làng nào trên quê hương thánh Gandhi bảo đảm dịch vụ cung cấp nước sạch và an toàn cho người dân được 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Trong lúc Ấn Độ khan hiếm nước như vậy thì lại có tới 70% nguồn nước quý giá từ Himalaya bị lãng phí chỉ vì hệ thống dẫn nước lạc hậu!

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố gần đây, nếu như nhiệt độ Trái đất tăng thêm 4°C, sẽ có từ 43 đến 50% nhân loại phải sống ở những vùng khô cằn. Vẫn theo báo cáo nói trên, thiệt hại kinh tế do không có được hệ thống lọc nước an toàn có thể lên tới 7% GDP của một quốc gia./.

Tác giả bài viết: Theo Chinhphu.vn