Hội nghị Bộ trưởng về nước và vệ sinh (SMM) năm 2022, vừa diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia, bày tỏ quan ngại về an ninh nguồn nước toàn cầu. Vấn đề là không phải các quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào lại có nhiều nước sạch.
Tình trạng khan hiếm nước sạch trên thế giới ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu, ước tính tiêu tốn 6% GDP của các quốc gia đang và kém phát triển, với tỷ lệ hơn một nửa dân số toàn cầu ít có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch. Trong đại dịch Covid-19, cứ 10 người thì có ba người không có đủ nước sạch để vệ sinh tay theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Trong số các khu vực trên thế giới, châu Phi thường xuyên khan hiếm nước sạch, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người dân “lục địa đen”. Trước tình trạng ô nhiễm và thiếu nước sạch nghiêm trọng, Viện Nước sạch, Môi trường và Y tế thuộc Đại học Liên hợp quốc vừa tiến hành cuộc nghiên cứu về những khó khăn, rủi ro trong quản lý nguồn nước cho các nước châu Phi. Kết quả cho thấy, Ai Cập có diện tích chủ yếu là sa mạc khô cằn nhưng vẫn được đánh giá có nguồn nước an toàn nhất châu Phi, bởi gần 99% dân số đất nước của các Pharaoh và Kim tự tháp huyền thoại được tiếp cận nguồn nước sạch.
Ở chiều ngược lại, Cộng hòa Trung Phi, quốc gia nằm ở khu vực sở hữu tài nguyên nước dồi dào nhất châu Phi, lại chỉ có 37% dân số được sử dụng các dịch vụ nước sạch cơ bản. Đảo quốc lớn thứ hai thế giới Madagascar, dù xếp hạng cao về dự trữ nguồn nước, lại nằm trong danh sách 10 quốc gia có nguồn nước sạch kém nhất châu Phi do tình trạng nghèo đói lan rộng, công nghệ xử lý nước lạc hậu và dân số tăng nhanh. Rõ ràng, việc sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào không đồng nghĩa với tỷ lệ phần lớn người dân được tiếp cận các dịch vụ nước sạch.
Nước thải là mối quan tâm của phần lớn các quốc gia đang và kém phát triển, vì công nghệ xử lý nước thải cần sự đầu tư rất tốn kém. Theo kết quả khảo sát, không quốc gia nào có lượng nước thải đã qua xử lý vượt ngưỡng 75% lượng nước thải ra môi trường, trong đó đáng báo động là có tới 2/3 số nước ghi nhận chưa tới 5% lượng nước thải được xử lý. Đây là vấn nạn chung trên toàn thế giới, nhất là các nước nghèo châu Phi, bởi chi phí đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải vốn rất tốn kém, không dành cho các quốc gia nghèo và kém phát triển.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, các hiểm họa thiên tai liên quan nước như lũ lụt và hạn hán đang gia tăng do biến đổi khí hậu. Việc quản lý, giám sát và cảnh báo sớm còn rời rạc và thiếu chặt chẽ, các nỗ lực tài chính khí hậu toàn cầu vẫn là chưa đủ. Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas (P.Ta-lát) bày tỏ quan ngại rằng, nhiệt độ tăng dẫn đến những thay đổi về lượng mưa, tạo sự thay đổi về mô hình mưa và vụ mùa nông nghiệp gây tác động lớn đến an ninh lương thực và sức khỏe con người.
Năm 2021, thế giới chứng kiến các hiện tượng cực đoan liên quan nguồn nước liên tiếp xảy ra. Ở châu Á, lượng mưa cực lớn gây lũ lụt tại Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Nepal, Pakistan và Ấn Độ, khiến hàng triệu người phải đi sơ tán và hàng trăm người thiệt mạng. Giáo sư Taalas cảnh báo, có hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nguồn nước và không được tiếp cận nước sạch.
Theo Báo cáo về thực trạng dịch vụ khí hậu năm 2021, có đến 3,6 tỷ người không được tiếp cận nước sạch ít nhất một tháng trong năm 2018. Đến năm 2050, con số không mong muốn này dự kiến sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người. Trong 20 năm qua, trữ lượng nước trên cạn, được tính bằng tổng lượng nước trên và dưới bề mặt đất, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng, đã giảm 1cm mỗi năm. Thiệt hại rõ rệt nhất đang xảy ra ở Nam Cực và Greenland, đảo quốc Bắc Cực thuộc Đan Mạch, nhưng nhiều địa điểm dân cư ở vĩ độ thấp hơn cũng đang trong tình trạng “khát nước sạch”. Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn do chỉ có 0,5% lượng nước trên Trái đất là nước ngọt có thể sử dụng được.
Trước việc an ninh nguồn nước ngày càng bị đe dọa, “đất nước vạn đảo” Indonesia đưa chủ đề “Nước và vệ sinh cho mọi người, mọi thời điểm, mọi nơi” vào nội dung của hội nghị SMM năm 2022. Nhận thức được vai trò quan trọng của nước đối với con người, các quốc gia trên thế giới nhất định sẽ không ngồi yên trước tình trạng mất an ninh nguồn nước.
Nguồn tin: Nhandan.vn