Hậu Giang bảo vệ nguồn nước: Hướng tới tầm nhìn dài hạn

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Siết chặt công tác quản lý, cấp phép

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; đồng thời triển khai các nhiệm vụ điều tra, quy hoạch phân bổ nước dưới đất; phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt, danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; đồng thời đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải ở một số tuyến sông, kênh rạch.

a1-nguon-nuoc-hg.jpg
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện công tác quản lý nguồn nước mặt, nước dưới đất đúng theo các quy định của pháp luật.

Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước; xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra trong quy hoạch của tỉnh; xây dựng bản đồ xâm nhập mặn; ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên nước hàng năm theo chính sách khuyến khích khai thác sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nước dưới đất thông qua bảng giá tính thuế tài nguyên.

Tỉnh Hậu Giang cũng siết chặt công tác cấp phép khai thác nguồn nước, ưu tiên cấp phép cho tổ chức, cá nhân khai thác nguồn nước mặt, hạn chế cấp phép khai thác nước ngầm, trừ trường hợp khai thác nước dưới đất nhằm phục vụ cho việc cấp nước sinh hoạt và một số ngành nghề đặc thù có yêu cầu cao về chất lượng nguồn nước như chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu. Tính đến đầu năm 2024, tỉnh Hậu Giang đã cấp hơn 100 giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất cho tổ chức, cá nhân, trong đó có gần 50 giấy phép khai thác nước mặt với tổng lưu lượng cấp phép khoảng 4,85 triệu m3/ngày đêm.

Song song với đó, để góp phần bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Hậu Giang thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước dưới đất; đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc tự động để quan trắc định kỳ chất lượng nước mặt, nước dưới đất; vận động các tổ chức, cá nhân hạn chế xây dựng công trình khai thác nước ngầm, ưu tiên sử dụng nguồn nước từ các nhà máy cấp nước. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 36.800 giếng khoan nước ngầm của hộ gia đình, giảm gần 10.000 giếng so với năm 2020.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện công tác quản lý nguồn nước mặt, nước dưới đất đúng theo quy định của pháp luật. Hoạt động khai thác tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, qua đó không chỉ giúp cho công tác quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, phân bổ nguồn nước ngày càng tốt hơn, mà còn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Chủ động bảo vệ nguồn nước

Hậu Giang được đánh giá là địa phương có nguồn nước mặt dồi dào thông qua hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt ở các huyện, thị xã thành phố và với địa hình thấp dạng lòng chảo nên có khả năng tích trữ một lượng lớn nước ngọt vào mùa mưa. Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu đã và đang tác động không nhỏ đến chất lượng cũng như trữ lượng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

a2-nguon-nuoc-hg.jpg

Từ thực tế này, để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững, hiện nay tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, dự án đánh giá diễn biến nguồn nước trước các tác động từ phát triển kinh tế, đô thị, biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm soát, giám sát nguồn nước và hoạt động khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước.

Song song với đó, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung triển khai quy hoạch cấp nước; xây dựng mới các hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn có công nghệ xử lý nước đạt quy chuẩn quốc gia; mở rộng, nâng cấp và nối mạng cấp nước cho các xã, loại bỏ dần giếng khoan nhỏ để bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm; khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt với diện tích mặt hồ hơn 20ha để góp phần cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn như Vị Thủy, Long Mỹ, TP. Vị Thanh.

Ngoài ra, để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung xử lý triệt để, di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; yêu cầu tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung; các doanh nghiệp có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục để cơ quan chức năng giám sát hoạt động xả thải.

Đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ thực hiện đồng bộ các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước trên các tuyến sông, kênh rạch liên tỉnh.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn