Bản Tin Thông Báo, Dự Báo Và Cảnh Báo Tài Nguyên Nước Dưới Đất Lưu Vực Sông Hồng – Thái Bình Tháng 2 Năm 2024

Lưu vực sông Hồng – Thái Bình là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, bao gồm 25 tỉnh, thành phố với tổng diện tích là 88.860 km2.

– Đối với tài nguyên nước mặt: lưu vực sông Hồng – Thái Bình có lượng mưa trung bình nhiều năm dao động từ khoảng 1000mm đến 1300mm, riêng khu vực thượng nguồn sông Đà, lượng mưa năm khá hơn, từ 1300mm đến 1500mm. Tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình là khoảng 131,4 tỷ m3, trong đó lượng nước sản sinh từ địa phận nước ngoài chảy vào Việt nam là 48,3 tỷ m3, lượng nước sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam là 83,1 tỷ m3. Mùa mưa hàng năm thường xuất hiện bắt đầu từ Tháng 7 đến tháng 10, lượng dòng chảy mùa lũ chiếm khoảng 90% tổng lượng dòng chảy năm. Mùa cạn từ tháng 11 đến Tháng 7 năm sau, lượng dòng chảy mùa cạn chiếm khoảng 10 % tổng lượng dòng chảy năm.

– Đối với tài nguyên nước dưới đất: lưu vực Sông Hồng – Thái Bình hiện nay có 156 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành. Lưu vực sông bao gồm 3 tầng chứa nước chính là tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh), tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp) và tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích lục nguyên Neogene và Trias (n & t). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước: tầng chứa nước Holocen (qh) là 4.155.827 m3/ngày, tầng chứa nước Pleistocen (qp) là 13.108.361 m3/ngày

1. Tài nguyên nước mặt:

Tháng 02 là tháng mùa khô có tổng lượng mưa khu vực Bắc phổ biến nhỏ hơn so với TBNN; riêng khu vực các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ có lượng mưa cao hơn so với TBNN. Tổng lượng nước nội sinh dự báo trong tháng 02 năm 2024 của lưu vực sông Hồng – Thái Bình thấp hơn tháng 1 và đạt 1,8 tỷ m3.

           Dự báo trong tháng 02 trên sông Đà có tổng lượng nước nội sinh đạt từ 716,53 – 725,12 triệu m3; sông Thao đạt từ 153, 55 – 155,60 triệu m3; sông Lô – Gâm đạt từ 349,00 – 388,68 triệu m3; sông Cầu – Thương đạt từ 115,49 – 172,38 triệu m3; Đồng bằng sông Hồng đạt từ  425,21 – 479,62 triệu m3.

           Mâu thuẫn cung cầu trong đáp ứng nhu cầu dùng nước đã xảy ra ở 2 tiểu vùng thiếu nước là lưu vực sông Cầu – Thương và lưu vực đồng bằng sông Hồng với lượng thiếu tương ứng từ 58,30 đến 1,41 và 83,86 đến 29,45 triệu m3.

2. Tài nguyên nước dưới đất:

            Nhìn chung mực nước dưới đất trung bình tháng 01 so với tháng trước có xu thế hạ tại lớp chứa nước qp1 xu thế dâng tại tầng chứa nước  n và t xu thế dâng hạ không đáng kể tại lớp chứa nước qh2,  qh1, qp2. Chất lượng nước trong các tầng chứa nước trong lưu vực khá tốt. Tuy nhiên có một số công trình có độ mặn, hàm lượng Mangan, Asen, Chì, Phenol, E.Coli, Colifom và Amôni  vượt quá GTGH so với QCVN 09:2023/BTNMT.

            Dự báo mực nước dưới đất tháng 02 so với mực nước thực đo tháng 01 có xu thế dâng tại lớp chứa nước qh2,  qh1, qp2, qp1 và tầng chứa nước n và t.

            Trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời điểm hiện tại có 5 công trình có độ sâu mực nước trung bình tháng vượt 50% so với mực nước hạ thấp cho phép. Nước trong lưu vực sông thuộc loại nước nhạt đến mặn, một số nơi có hàm lượng Mangan, Asen, Phenol, Ecoli và amoni vượt GTGH.

3. Đề xuất, kiến nghị

Đối với tài nguyên nước mặt: Tháng 02 có tổng lượng nước nội sinh dự báo trong tháng đạt 1,8 tỷ m3. Mức giảm cao nhất so với tháng 1 tại lưu vực đồng bằng sông Hồng đạt 37 %; Lưu vực sông  Lô _ Gâm, Lưu vực sông  Đà  25%;  Lưu vực sông Thao cùng là 29% và cuối cùng là lưu vực sông Cầu – Thương giảm 28%.

Đa số các vùng dự báo cho có kết quả lượng nước nội sinh đủ cho các nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt tuy nhiên đã xảy ra vấn đề thiếu nước tại lưu vực sông Cầu – Thương và lưu vực đồng bằng sông Hồng nên vẫn cần xem xét việc xây dựng các chính sách trong khai thác, sử dụng TNN hiệu quả giữa các ngành sử dụng nước nhằm phục vụ phát triển bền vững (Kinh tế – Xã Hội – Môi trường) với đặc thù là các lưu vực sông có nhiều hệ thống hồ chứa bậc thang lớn ở miền Bắc. Bên cạnh đó việc phân bổ cho các đối tượng sử dụng nước trong trường hợp thiếu nước sẽ được quy định tại Điều 23 về Xác định thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước thuộc Thông tư 04/2020/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Bên cạnh đó là việc cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước thông qua các quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BTNMT Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đối với tài nguyên nước dưới đất: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân có khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất tiếp tục theo dõi và có các biện pháp, kế hoạch khai thác phù hợp đối với các khu vực có độ sâu mực nước vượt ngưỡng cho phép đặc biệt là tại các khu vực quận Hà Đông, Từ Liêm, Cầu Giấy – TP Hà Nội; huyện Trực Ninh – tỉnh Nam Định.

Trong mùa mưa năm 2023, nhìn chung mực nước và chất lượng nước trong các tầng chứa nước trong lưu vực sông Hồng – Thái Bình đều tốt. Tuy nhiên có một số công trình có độ mặn, hàm lượng Mangan, Asen, Chì, Phenol, E.Coli, Colifom và Amôni  vượt quá GTGH so với QCVN 09:2023/BTNMT, đề nghị các cơ quan đưa ra cảnh báo cho người dân và tiếp tục theo dõi thêm.

Xem chi tiết tại đây: